Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Hai, 13/01/2025 12:23 (GMT +7)
Hạn chế ùn tắc vận tải hàng hóa cho TP Hồ Chí Minh và 19 tỉnh phía Nam
Thứ 5, 08/07/2021 | 09:36:00 [GMT +7] A A
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) tối 7/7 đã họp khẩn với 19 tỉnh phía Nam (TP Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Tây và miền Đông Nam Bộ) để triển khai các phương án tổ chức vận tải hàng hóa, hành khách trong bối cảnh dịch COVID-19 gia tăng diễn biến phức tạp.
Vận tải ùn tắc khi ra, vào TP Hồ Chí Minh
Để đảm bảo công tác phòng chống dịch COVID-19, TP Hồ Chí Minh hiện đã cho đóng cửa 3 chợ đầu mối lớn kết nối với các tỉnh lân cận, gồm: Chợ Bình Điền đầu mối miền Tây, Thủ Đức (đầu mối miền Đông Nam Bộ), Củ Chi (đầu mối phía Bắc); đồng thời, áp dụng thực hiện nghiêm các quy định về y tế đối với lái, phụ xe và người phục vụ trên phương tiện vận tải tại các địa phương. Thực tế này đang dẫn đến tình trạng ùn tắc hàng hóa, hành khách tại các trạm kiểm soát phòng dịch, hàng hóa không được lưu thông vào nội đô, gây thiếu hàng hóa cục bộ và ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của thành phố.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ tại cuộc họp trực tuyến với TP Hồ Chí Minh và 7 tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam về công tác phòng chống dịch COVID-19 ngày 4/7/2021, Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT chủ trì phối hợp với Bộ Công an nghiên cứu các hướng tuyến, phân luồng giao thông, quy định thời gian cụ thể, rõ ràng cho các phương tiện giao thông để không xảy ra tình trạng ùn tắc, bảo đảm duy trì ổn định vận tải hàng hóa và hành khách, đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch.
Theo ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN), Tổng cục đã chỉ đạo các nhà đầu tư các BOT, sở GTVT các địa phương phối hợp với Ban chỉ đạo phòng chống dịch cơ sở chủ động phân luồng giao thông, hướng dẫn các loại xe ô tô vào chốt kiểm soát tại các cửa ngõ ra, vào các địa phương trên toàn bộ các tuyến quốc lộ; chủ động phân luồng từ xa để các phương tiện giao thông lưu thông; lắp đặt biển báo giao thông quy định dừng, đỗ xe, sơn vạch kẻ đường tam thời…
Lực lượng chức năng lấy mẫu tầm soát dịch COVID-19 tại chợ Bình Điền. Ảnh: TTXVN.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng đã thành lập Ban chỉ đạo phân luồng, đảm bảo giao thông phục vụ công tác phòng chống dịch để phối hợp với UBND TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam phân luồng, tuyến vận tải hàng hóa, bảo đảm thường xyên thông suốt 24/24 giờ; tăng cường lực lượng để giải quyết nhanh nhất, không để tình trạng ùn tắc tại các chốt kiểm soát dịch bệnh, các điểm khai báo y tế.
Ông Nguyễn Văn Huyện cho biết thêm, trong thời gian chờ Chính phủ có Nghị quyết về việc lùi thời gian lắp camera giám sát trên phương tiện vận tải, Tổng Cục đã yêu cầu Sở GTVT các địa phương tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh vận tải ô tô trên địa bàn khẩn trương lắp đặt camera trên phương tiện, phục vụ truy vết, phòng chống dịch bệnh trong hoạt động kinh doanh vận tải.
Còn theo ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, các địa phương có diễn biến dịch phức tạp tại phía Nam hiện nay cần khẩn trương nghiên cứu, nâng cấp tờ khai y tế điện tử theo hướng bổ sung trường khai báo thông tin về việc đã tiêm vaccine hay đã xét nghiệm PCR để thuận lợi hơn trong công tác kiểm soát.
Gỡ khó cho lưu thông vận tải hàng hoá
Tinh thần chung tại cuộc họp này của các địa phương là cần phải tập trung hạn chế vận tải hành khách và tạo mọi điều kiện thuận lợi lưu thông hàng hóa ra vào TP Hồ Chí Minh và các địa phương phía Nam; cần phân luồng tổ chức giao thông đối với từng tuyến và quy định rõ những tuyến đường nào được phép lưu thông; đội ngũ lái xe và phục vụ vận tải phải được ưu tiên tiêm vaccine.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho rằng: Giải pháp chung về y tế phải thực hiện nghiêm, riêng với lĩnh vực vận tải phải tính toán kỹ lưỡng, tổ chức phân luồng, vận tải hàng hóa phải ưu tiên số một, vì phải kết nối với các loại hình vận tải khác để lưu thông hàng hóa, đảm bảo sản xuất, tiêu dùng của người dân. Riêng vấn đề phân luồng tuyến, thì địa phương phải chủ động hoàn toàn theo tinh thần 4 tại chỗ…
Phân luồng giao thông, hạn chế ùn tắc vận tải hàng hóa tại TP Hồ Chí Minh và 19 tỉnh phía Nam. Ảnh: TTXVN.
Qua tìm hiểu thông tin từ các địa phương, hiện nay, cơ bản các hoạt động vận tải hành khách công cộng, hành khách hợp đồng, xe buýt, xe taxi, tuyến cố định liên tỉnh đã tạm dừng trong vòng 15 ngày tùy theo diễn biến tình hình dịch bệnh, các địa phương có tuyến vận tải khách thủy cũng đã yêu cầu giảm số lượng chuyên chở để đảm bảo nguyên tắc 5K, tập trung tạo điều kiện thuận lợi cho vận tải hàng hóa, tổ chức các luồng tuyến cho hoạt động vận tải hàng hóa.
Theo lãnh đạo Sở GTVT TP Hồ Chí Minh, trước mắt đề xuất tập trung ưu tiên vận chuyển hàng hóa với các vùng Đông Nam Bộ và các hoạt động vận tải hàng hóa qua cảng Cát Lái, thành phố sẽ tạo 5 luồng xanh để phương tiện lưu thông, phải đăng ký qua Sở GTVT là đầu mối để được cấp QR CODE thông qua các trạm kiểm soát; hạn chế thuyền viên lên bờ, lên bờ phải có giấy xét nghiệm. Thành phố cũng đề nghị hạn chế đường sắt, hàng không trong vòng 2 tuần tới. Các địa phương lân cận ngoài tuân thủ các quy định về kiểm soát y tế của Bộ Y tế, yêu cầu các doanh nghiệp vận tải chủ động kế hoạch sắp xếp phương tiện và chủ động xét nghiệm cho lái, phụ xe… hạn chế ùn ứ tại các trạm kiểm soát dịch bệnh do chờ xét nghiệm.
Liên quan đến công tác quản lý phương tiện, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể yêu cầu các địa phương phải có giải pháp nhanh nhất, thuận tiện nhất, ứng dụng công nghệ, không để rút ngắn thời gian qua trạm kiểm soát, phải thông báo, thống nhất với nhau về việc quản lý luồng xanh giữa các địa phương đảm bảo kết nối và hiệu quả trong kiểm soát các tuyến di chuyển; đồng thời, phải có quy định giao trách nhiệm cho doanh nghiệp vận tải chủ động trong việc tổ chức xét nghiệm cho lái, phụ xe và có chế tài xử lý nghiêm với các doanh nghiệp vi phạm về luông tuyến.
Trước đó, ngày 5/7/2021, Bộ GTVT đã có văn bản số 6434 chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam chủ động phối hợp với UBND TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ, Tây Nam bộ và các tỉnh giáp ranh tổ chức phân luồng, tuyến vận tải hàng hóa, bảo đảm thường xuyên thông suốt 24/24 giờ; tăng cường lực lượng để giải quyết nhanh nhất, không để tình trạng ùn tắc tại các chốt phòng chống dịch bệnh, các điểm khai báo y tế; chỉ đạo Thanh tra giao thông phối hợp với lực lượng CSGT tổ chức phân luồng giao thông kịp thời, để phương tiện lưu thông ổn định, thuận lợi; chỉ đạo các doanh nghiệp không để tình trạng thiếu phương tiện vận chuyển…
Vân Sơn/Báo Tin tức
https://baotintuc.vn/kinh-te/han-che-un-tac-van-tai-hang-hoa-cho-tp-ho-chi-minh-va-19-tinh-phia-nam-20210707225642298.htm
Ý kiến ()