Thứ Ba, 21/01/2025 00:00 (GMT +7)

Hàn Quốc, Nhật Bản dẫn đầu về đầu tư vào ngành công nghiệp điện tử VN

Thứ 3, 28/11/2017 | 16:28:00 [GMT +7] A  A

VOV.VN – Ngành điện tử Việt Nam thu hút vốn đầu tư từ nhiều “ông lớn” ngoại, trong đó dẫn đầu là các tập đoàn của Hàn Quốc và Nhật Bản.

Ngành điện tử rất “sáng”

Chia sẻ thông tin tại Hội thảo Liên kết trong phát triển ngành công nghiệp điện tử ở Việt Nam tổ chức sáng nay (28/11) tại Hà Nội, TS. Nguyễn Thị Tuệ Anh – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, ngành công nghiệp điện tử Việt Nam phát triển rất thành công, phục vụ tốt cho quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng tại Việt Nam.

han quoc, nhat ban dan dau ve dau tu vao nganh cong nghiep dien tu vn hinh 1
Toàn cảnh Hội thảo sáng nay tại Hà Nội

TS. Tuệ Anh cho hay, trong chiến lược công nghiệp hóa Việt Nam-Nhật Bản có 6 ngành công nghiệp ưu tiên phát triển, trong đó có công nghiệp điện tử – ngành Việt Nam tiềm năng và lợi thế.

Kể từ năm 2013 đến nay, ngành công nghiệp điện tử trong nước đã có bước phát triển đột phá, với mức tăng trưởng ngoạn mục trên 20% mỗi năm, đóng góp vào GDP trên 35%.

“Ngành điện tử luôn vượt chỉ tiêu đề ra về tăng trưởng và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế quốc gia. Đây là ngành “rất sáng”, Phó Viện trưởng CIEM đánh giá.

Theo TS. Tuệ Anh, mục tiêu ngành điện tử đến năm 2020 là ứng dụng công nghệ tiên tiến, tăng năng suất lao động, nâng cao khả năng cạnh tranh, sản xuất được những sản phẩm có giá trị gia tăng cao…

Đề cập đến các vấn đề mang tính chiến lược của ngành công nghiệp điện tử, Phó Viện trưởng CIEM nêu rõ: cần phát triển công nghiệp hỗ trợ, phát triển nguồn nhân lực, phát triển mở rộng thị trường xuất khẩu, thu hút các doanh nghiệp hàng đầu thế giới, phát triển các sản phẩm trọng điểm của ngành điện tử, hình thành các cụm công nghiệp điện tử.

Ông Cao Bảo Anh, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho rằng, Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn FDI trong ngành công nghiệp điện tử.

Đến nay, lĩnh vực này đã thu hút hơn 10 tỷ USD vốn FDI với các tên tuổi lớn như Samsung, Foxconn, Intel, LG, Panasonic… kéo theo sự xuất hiện các doanh nghiệp cung ứng linh phụ kiện cho các sản phẩm điện tử như điện thoại di động, TV…, ông Cao Bảo Anh cho biết.

Theo đại diện của Bộ Công Thương, ngành điện tử Việt Nam có được bước phát triển ngoạn mục chủ yếu dựa vào 2 lợi thế cơ bản là nhân công giá rẻ và sức hấp dẫn của môi trường đầu tư của Việt Nam từ những chính sách ưu đãi các nhà đầu tư nước ngoài.

Dấu ấn của các “ông lớn” ngoại

Về vấn đề thu hút đầu tư, bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên BCH Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam nhận định, sự phát triển của ngành điện tử Việt Nam chủ yếu nhờ thu hút được sự đầu tư lớn từ các tập đoàn đa quốc gia, đặc biệt là các tập đoàn từ Hàn Quốc, Nhật Bản, ở cả lĩnh vực sản xuất sản phẩm cuối cùng và sản xuất linh kiện điện tử.

han quoc, nhat ban dan dau ve dau tu vao nganh cong nghiep dien tu vn hinh 2
Dây chuyền sản xuất tai nghe điện thoại tại nhà máy của Samsung tại Việt Nam. (Ảnh: TTXVN)

Dự án lớn nhất hiện nay thuộc Tập đoàn Samsung, với tổng số vốn đầu tư tại Việt Nam là 11,2 tỷ USD, sản phẩm chính là điện thoại di động và các sản phẩm công nghệ cao, bà Hương cho hay.

Ngoài ra, theo bà Hương, ngành điện tử trong nước còn có “dấu chân” của “gã khổng lồ” Intel, LG, Canon, Panasonic… Cụ thể, Intel đầu tư trên 1 tỷ USD, LG “rót” 1,5 tỷ USD, Cannon đầu tư 306 triệu USD, Panasonic đầu tư 250 triệu USD, chủ yếu gia công, lắp ráp sản phẩm dân dụng như TV, đầu karaoke, tủ lạnh… với hình thức nhập linh kiện, lắp ráp và cung ứng cho thị trường nội địa.

Trong khi đó, các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực điện tử của Việt Nam như Tổng Cty Điện tử Tin học VN, Công ty Hannel đang phát triển với tốc độ khá chậm, thương hiệu mất dần và chỉ chiếm thị phần nhỏ trong nước, bà Hương nêu thực tế.

Đại biểu này lo ngại, trong một thời gian dài ở Việt Nam đã có quá nhiều doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, lắp ráp hàng điện tử dân dụng nhưng các doanh nghiệp Việt chỉ tập trung vào lắp ráp, phân phối mà không chú trọng đầu tư chiều sâu, công nghệ và tự động hóa dẫn đến mất dần năng lực cạnh tranh.

Dự báo của Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam cho thấy, từ nay đến năm 2020, mức tiêu thụ sản phẩm điện tử, điện lạnh của Việt Nam sẽ tăng từ 7,3-11,9%. Trong khi đó, các chuỗi phân phối với tỷ lệ cổ phần nằm trong tay các công ty, tập đoàn nước ngoài như Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, hàng ngoại đã và đang đổ bộ mạnh vào thị trường Việt Nam./.

Trần Ngọc/VOV.VN

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu