Sáng 27/5, tại Nhà Quốc hội, Đoàn Giám sát của Quốc hội tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 2 để nghe Chính phủ báo cáo, giải trình về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Trưởng đoàn giám sát chủ trì phiên họp.
Phiên họp lần 2 của Đoàn giám sát của Quốc hội về cải cách bộ máy hành chính nhà nước (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội) |
Theo báo cáo của Chính phủ, giai đoạn 2011-2016, việc sắp xếp, cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước được Chính phủ tập trung chỉ đạo thực hiện. Cơ cấu tổ chức của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ nhiệm kì 2016-2021 được giữ ổn định như nhiệm kì 2011-2016. Các cơ quan chuyên môn ở địa phương được sắp xếp, tổ chức lại phù hợp, bảo đảm tính thống nhất, thông suốt và theo xu hướng thu gọn đầu mối, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính.
Về tinh giản biên chế, báo cáo cho biết: năm 2015, 2016 có 34 lượt bộ ngành và 106 lượt địa phương đề nghị thẩm tra đối tượng tinh giản biên chế với tổng số đối tượng giải quyết tinh giản biên chế hơn 17.600 người. Tính đến 15/3 năm nay, tổng số đối tượng được thẩm tra tinh giản biên chế gần 5.000 người.
Báo cáo của Chính phủ cũng cho thấy, hiện nay có 11 địa phương sử dụng vượt hơn 7.900 biên chế so với số biên chế công chức được Bộ Nội vụ giao. Số lượng cấp phó tại một số tổ chức hành chính còn vượt so với quy định. Tổ chức bộ máy bên trong của một số bộ, ngành vẫn còn biểu hiện cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian…
Qua làm việc với 15 bộ ngành ở trung ương và trực tiếp giám sát tại 15 tỉnh, thành phố, Đoàn giám sát nhận thấy Chính phủ, các bộ ngành và địa phương rất nghiêm túc, công phu trong việc chuẩn bị báo cáo, các báo cáo này đều bám sát đề cương, số liệu đáp ứng yêu cầu mà đoàn giám sát đề ra. Tuy nhiên quá trình giám sát cho thấy, kết quả thực hiện chính sách tinh giảm biên chế còn rất hạn chế. Tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính nhà nước còn cồng kềnh, một số chức năng cơ quan quyền hạn còn trùng lặp, chồng chéo, thiếu hợp lý.
Giáo sư, Tiến sĩ Trần Ngọc Đường, thành viên đoàn giám sát phân tích: “Có một hiện tượng cần chú ý đó là ngoài các bộ, cơ quan ngang bộ đã được tổ chức theo mô hình đa ngành, đa lĩnh vực, vẫn còn có 92 cơ quan tổ chức do Chính phủ và Thủ tướng thành lập và 123 tổ chức do bộ trưởng thành lập là điều đáng suy nghĩ. Hiện tượng này thể hiện nguyên tắc phân công quản lý nhà nước một cơ quan làm nhiều việc, nhưng một việc chỉ giao cho 1 cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính lại chưa được thực hiện. Vì vậy còn rất nhiều tổ chức phải liên ngành như thế này. Tôi đề nghị cần đánh giá sâu chỗ này”.
Về tăng biên chế công chức, Chính phủ cho rằng, nguyên nhân là do bổ sung chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực theo quy định của pháp luật chuyên ngành và việc chia tách, thành lập mới các đơn vị hành chính cấp, huyện xã. Song, theo một số thành viên đoàn giám sát, cần xem lại cách xác định biên chế, nơi nào cần biên chế, nơi nào không, từ đó mới thực hiện tinh giản biên chế có hiệu quả. Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng trên thực tế việc tinh giản biên chế là rất khó. Nghị định 108 của Chính phủ là tinh giản, cơ cấu lại đội ngũ hầu như không cơ quan nào thực hiện được. Chủ yếu việc tinh giản thực hiện ở những đối tượng đến tuổi nghỉ hưu rồi thì cho nghỉ, còn những người không làm được việc vẫn ở trong bộ máy.
Ông Phan Trung Lý đề nghị phải xem lại cách xác định biên chế. Công chức là thực hiện công vụ nhưng có phải tất cả các công vụ đều do công chức thực hiện không và tất cả các dịch vụ công đều do người nhà nước thực hiện không?./.
Ý kiến ()