Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Sáu, 15/11/2024 12:43 (GMT +7)
Hết thuốc chữa ung thư, Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh đề nghị hỗ trợ
Thứ 7, 29/04/2017 | 15:38:00 [GMT +7] A A
Đã đăng vào 29/04/2017 lúc 15:38
Hiện nay, thuốc có hoạt chất Vincristin dùng để điều trị ung thư như bạch cầu cấp, bệnh Hodgkin, một số bệnh Sarcom… đã hết, Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh đã đề nghị Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, các đơn vị trong ngành hỗ trợ nguồn thuốc để đáp ứng nhu cầu điều trị của bệnh nhân.
Thông tin được dược sỹ Nguyễn Văn Vĩnh, Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh cho biết ngày 28/4.
Theo dược sỹ Nguyễn Văn Vĩnh, từ giữa tháng 4/2017, nguồn thuốc Vincristin của Bệnh viện Ung bướu đã không còn. Đây cũng là nguồn thuốc dự kiến sử dụng trong tháng 5/2017. Trước thực trạng hết thuốc ngoài dự kiến, bệnh viện đã liên hệ với công ty trúng thầu thuốc để nhập khẩu bổ sung kịp thời. Dự kiến, trong tháng 5, nguồn thuốc sẽ được bổ sung. Để đảm bảo nguồn thuốc điều trị, Bệnh viện đã liên hệ, được Bệnh viện Truyền máu và Huyết học Trung ương chuyển vào 100 ống để sử dụng cho bệnh nhân. Tuy nhiên, số lượng quá ít so với nhu cầu, bởi trung bình Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh cần sử dụng hơn 1.000 ống Vincristin/tháng.
Phẫu thuật cho bệnh nhân bị ung thư dạ dày bằng Robot. Ảnh: Phương Vy/TTXVN.
Hiện nay, nhiều bệnh viện khác trên địa bàn thành phố cũng thiếu thuốc Vincristin. Dược sỹ Đỗ Văn Dũng, Trưởng phòng Nghiệp vụ Dược, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thuốc Vincristin dùng để điều trị một số bệnh ung thư đã hết khoảng hai tuần nay.Về nguyên nhân của tình trạng trên, dược sĩ Đỗ Văn Dũng cho rằng, do một số bệnh viện dự trù nhu cầu sử dụng thuốc chưa chính xác. Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã gửi công văn báo cáo Cục quản lý Dược, Bộ Y tế và đề nghị có hướng xử lý.
Do giá mỗi ống thuốc Vincristin không cao, chỉ 92.000 đồng nên các công ty nhập thuốc không mặn mà. Trước tình hình này, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các công ty nhập khẩu thêm thuốc này mà không tính đến lợi nhuận, đảm bảo có thuốc để điều trị cho bệnh nhân, dược sỹ Đỗ Văn Dũng cho biết thêm.
Trước tình trạng trên, nhiều bệnh nhân đã phải tìm đến thị trường “chợ đen” để mua, giá thuốc đã bị đẩy lên rất cao, gấp 5-7 lần, có nơi gấp hơn 10 lần so với giá thuốc trong bệnh viện. Dược sỹ Nguyễn Văn Vĩnh, Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu khuyến cáo, người bệnh cần cẩn trọng, tìm đến các nhà thuốc có uy tín, thuốc có nguồn gốc rõ ràng, có giấy phép nhập khẩu. Trong trường hợp không quá khẩn cấp, bệnh nhân nên chờ nguồn thuốc bổ sung của bệnh viện, không nên mua ở thị trường “chợ đen”.
Ý kiến ()