105 năm trước (ngày 5/6/1911), người thanh niên Việt Nam Nguyễn Tất Thành, với tên gọi Văn Ba, từ bến cảng Sài Gòn, khởi đầu một cuộc hành trình tìm đường cứu nước. Đó là hành trình cách mạng vĩ đại, Hành trình Hồ Chí Minh: Hành trình Ánh sáng – Hành trình Tương lai.
Như một định mệnh lịch sử, vào những năm đầu thế kỷ 20, thời điểm khủng hoảng nhất của phong trào yêu nước và cách mạng Việt Nam, xuất hiện một nhân vật kiệt xuất. Nhân vật đó làm một cuộc hành trình tìm đến những tư tưởng cách mạng tiến bộ nhất của thời đại, dẫn dắt dân tộc đến cuộc cách mạng “đem sức ta giải phóng cho ta”, xây nên một thời đại rạng rỡ trong lịch sử dân tộc.
Tàu Latouche Treville, con tàu đã đưa người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước từ Cảng Sài Gòn ngày 5/6/1911. (Ảnh tư liệu) |
Cuộc hành trình kéo dài suốt 30 năm, qua hai đại dương, bốn châu lục, từ Á, Âu, Phi đến Mỹ la tinh, trong một không gian rộng lớn đa sắc màu; trong một thời gian dài rộng đầy biến cố lịch sử.
Cuộc hành trình của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đến nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc và lãnh tụ Hồ Chí Minh là cuộc hành trình vượt lên chính mình, đi về Ánh sáng, hướng tới Tương lai, phát hiện Chân lý, liên tục tiếp nhận, đổi mới, hoàn thiện.
Từ ý chí của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã sáng lên tầm nhìn Nguyễn Ái Quốc. Từ những hoạt động cách mạng không mệt mỏi của người cộng sản Nguyễn Ái Quốc đã lung linh trí tuệ, bản lĩnh Hồ Chí Minh.
Người làm cuộc hành trình không để tạo ra những kỷ lục, nhưng cái đích của cuộc hành trình dài lâu mà Người hướng tới và đã đạt được, còn hơn cả một kỷ lục. Ánh sáng từ chủ nghĩa Mác – Lê nin mà Người tiếp nhận không chỉ lan tỏa và thành nguồn năng lượng mạnh thổi bùng lên ngọn lửa cách mạng ở Việt Nam, mà có sức lan tỏa tới các quốc gia Á, Phi, Mỹ la tinh, đặc biệt đối với những quốc gia bị thực dân đế quốc xâm lược, thống trị.
Nhà lưu niệm: Bến nhà Rồng tại tp. Hồ Chí Minh
Ý kiến ()