Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Sáu, 24/01/2025 07:49 (GMT +7)
Hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu qua Amazon: Bộ Công Thương ‘so bó đũa, chọn cột cờ’
Thứ 5, 07/03/2019 | 09:59:00 [GMT +7] A A
Gã khổng lồ Amazon đã bắt tay với Bộ Công Thương, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam có cơ hội được bán trên sàn thương mại điện tử lớn nhất thế giới này.
Tiếp nối việc công bố kế hoạch hợp tác với Amazon, mới đây, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đã tổ chức hội thảo gặp gỡ doanh nghiệp (DN) tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh để thông tin và hướng dẫn DN. Sẽ có khoảng 200 DN được hỗ trợ để xuất khẩu hàng hóa thông qua trang Amazon.
Cà phê Việt Nam bán trên trang Amazon. Ảnh chụp màn hình.
Đây thực sự là cơ hội cho các DN vừa và nhỏ của Việt Nam đang tìm kiếm kênh xuất khẩu hàng hóa hiệu quả. Bởi khi hàng hóa được đưa lên trên Amazon, DN không chỉ bán hàng cho các khách hàng nhỏ lẻ, mà thông qua sự hỗ trợ của trang này, DN Việt có thể gặp được các nhà nhập khẩu quốc tế để xuất khẩu hàng hóa với số lượng lớn.
Doanh nghiệp sốt sắng
Dễ hiểu tại sao mà rất nhiều DN đang hào hứng và mong muốn được “lên sóng” Amazon. Đã từng bán hàng trên nhiều trang thương mại điện tử trong nước, tuy nhiên, để bán được hàng trên trang thương mại điện tử toàn cầu như Amazon lại là một thử thách không nhỏ với anh Lê Bảo Tuấn (người bán hàng thời trang online tại TP Hồ Chí Minh).
“Tôi sẽ phải chuẩn bị nhiều hành trang: Ngoại ngữ, chất lượng sản phẩm, cũng như các chiến dịch quảng bá hấp dẫn, để có thể tiếp cận được với khách hàng toàn cầu”, anh Tuấn cho hay.
Rõ ràng, những chia sẻ của anh Tuấn cho thấy, các DN vừa và nhỏ ở Việt Nam đã ý thức được cơ hội mà cuộc cách mạng khoa học – công nghệ có thể mang lại và họ cũng ý thức được mình phải chuẩn bị những gì để thích nghi.
Cũng như anh Tuấn, chị Võ Thanh Huyền, Phó giám đốc phụ trách kinh doanh Công ty DH Food (chuyên sản xuất các sản phẩm muối, gia vị, hạt tiêu…) cũng đã gửi đơn đăng ký ngay khi biết Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với Amazon hỗ trợ DN xuất khẩu trực tuyến.
Theo chị Võ Thanh Huyền, kênh bán hàng trực tuyến, đặc biệt là những trang như Amazon hay Alibaba… là những trang tìm kiếm khách hàng nhập khẩu hàng đầu, giúp hỗ trợ DN vừa và nhỏ bán hàng.
“Công ty đã đưa hàng lên bán trên trang Alibaba từ cuối năm 2018 và ghi nhận những dấu hiệu tích cực. Chúng tôi đã xuất khẩu được hàng sang Nhật, Mỹ, Anh, Úc… Theo kinh nghiệm bán hàng trên Alibaba của chúng tôi, giai đoạn đầu thì khách thường đặt ít, nhưng đơn hàng sẽ dần lớn lên”, chị Huyền cho hay.
Với những DN nhỏ của Việt Nam, để gặp gỡ trực tiếp khách nước ngoài và ký kết hợp đồng xuất khẩu không phải điều đơn giản. Các trang thương mại điện tử toàn cầu sẽ giúp DN quảng bá hình ảnh sản phẩm một cách đơn giản và tiết kiệm chi phí. Khi gây được ấn tượng với khách, họ sẽ tự động tìm đến với DN.
Nắm bắt cơ hội thế nào?
Có thể nói, đây là lần đầu tiên Bộ Công Thương phối hợp với một trang thương mại điện tử toàn cầu xúc tiến việc xuất khẩu hàng hóa. Nếu được lựa chọn, DN sẽ được Amazon hỗ trợ rất nhiều.
Không chỉ hỗ trợ về những vấn đề kỹ thuật như quảng cáo tài khoản hay thanh toán, vận chuyển, mà đối với những DN chưa hoàn thiện sản phẩm cũng sẽ được Amazon giúp đỡ để xây dựng nhãn mác, bao bì và xin các loại giấy phép chứng nhận.
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết, Amazon sẽ ưu tiên cho DN Việt Nam tiếp cận thị trường thế giới, phát triển thương hiệu của DN và hàng hóa Việt Nam, đào tạo cho DN…
Tuy vậy, thời gian đầu Amazon sẽ chỉ hợp tác với khoảng 100 – 200 DN Việt Nam, chủ yếu trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ, đồ gỗ nội thất, may mặc, nông sản vùng miền… những ngành được cho là có lợi thế của Việt Nam. Do đó, bản thân các DN cũng sẽ phải cạnh tranh với nhau để có một suất hỗ trợ từ Amazon.
Các kênh bán hàng thương mại điện tử như Amazon sẽ hỗ trợ DN xuất khẩu trực tuyến hiệu quả, thay cho các cách truyền thống như gặp gỡ, đối thoại trực tiếp.
Cục Xúc tiến thương mại sẽ nhận hồ sơ đăng ký của DN đến ngày 1/4, sau đó sẽ chọn lọc DN. Theo ông Phú, ngay từ bây giờ, DN cần chủ động nâng cao khả năng cạnh tranh cho sản phẩm hàng hóa của mình, xây dựng những chiến lược phát triển cho sản phẩm cũng như hoàn thiện các hồ sơ pháp lý chứng minh nguồn gốc, xuất xứ và mức độ an toàn của sản phẩm.
“Nắm bắt được điều này, DN đã định hướng sản phẩm của mình là an toàn với sức khỏe người tiêu dùng, không chất tạo màu, không chất bảo quản. Nhờ đó, sản phẩm đạt các chứng chỉ của châu Âu về an toàn thực phẩm, yên tâm khi xuất sang nước ngoài”, chị Huyền chia sẻ về sự chuẩn bị của DN trước cơ hội xuất khẩu trực tuyến.
Qua tìm hiểu tại những thị trường mà Amazon đã từng đổ bộ, hãng này sẽ cung cấp dịch vụ “Fulfillment by Amazon” cho DN, nghĩa là khi có đơn hàng, Amazon sẽ tự động đóng gói và vận chuyển cho khách. Việc của người bán chỉ là gửi hàng sang kho cho Amazon và họ sẽ hoàn tất những việc còn lại. Quy trình hoạt động của dịch vụ này bao gồm 4 bước: Khai báo hàng lên Amazon; gửi hàng đến kho của Amazon; Amazon nhận hàng và bảo quản sản phẩm trong kho; khi sản phẩm được mua, Amazon sẽ đóng gói và vận chuyển chúng đến khách hàng.
Amazon đang có mặt tại 13 thị trường, với 300 triệu khách hàng đến từ 180 quốc gia và người bán đến từ 172 nước, bao gồm Việt Nam. 25% doanh số bán lẻ trên Amazon thuộc về người bán quốc tế.
Ý kiến ()