Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Tư, 22/01/2025 11:56 (GMT +7)
Hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi trước dịch tả lợn châu Phi
Thứ 5, 18/07/2019 | 09:24:00 [GMT +7] A A
Trước diễn biến khó lường của dịch tả lợn châu Phi, nhiều chủ trang trại và hộ chăn nuôi lao đao vì đây vốn là nguồn thu nhập chính của họ từ nhiều nhiều năm nay, các địa phương bên cạnh nỗ lực dập dịch cũng đang khẩn trương thực hiện việc hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi.
Tiêu hủy lợn bị dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu/TTXVN
Theo ông Nguyễn Thành Huy, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Cà Mau, thời gian qua ngành chức năng đã đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức để người dân biết cách phòng ngừa. Bên cạnh đó, vấn đề cấp bách hiện nay là kinh phí hỗ trợ, hỗ trợ thế nào để đảm bảo công bằng, hợp lý và giảm thiểu khó khăn cho người dân.
Tín hiệu vui đối với chăn nuôi là vào ngày 27/6 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 793/QĐ-TTg, về cơ chế, chính sách, đối tượng hỗ trợ, mức hỗ trợ kinh phí trong phòng, chống dịch tả lợn châu Phi.
Ông Nguyễn Thành Huy nhận định, Quyết định 793 ra đời kịp thời tháo gỡ khó khăn cho địa phương trong hỗ trợ người dân cũng như phòng chống dịch tả lợn châu Phi.
Theo đó, các hộ có lợn bị bệnh và tiêu huỷ trước ngày 27/6 thì được hỗ trợ theo Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 9/1/2017 và Nghị quyết số 16 phiên họp thường kỳ tháng 2/2019 của Chính phủ hỗ trợ 80% giá thị trường ở thời điểm đó. Còn các hộ dân có lợn bị bệnh và tiêu huỷ sau ngày 27/6 được hỗ trợ 25.000 đồng/kg lợn hơi và 30.000 đồng/kg đối với lợn giống.
“Đây là hỗ trợ của Nhà nước nhằm khắc phục một phần khó khăn về kinh tế của người dân chứ không phải hỗ trợ để người dân khôi phục sản xuất. Chính vì vậy, khi nhận được tiền hỗ trợ của Nhà nước, bà con nông dân không nên vội tái đàn khi chúng ta chưa kiểm soát được dịch bệnh”, ông Nguyễn Thành Huy phân tích.
Bên cạnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung, quyết liệt hơn nữa việc phòng, chống dịch và thực hiện thêm nhiều giải pháp để ngăn chặn dịch bệnh lây lan; Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau vừa phê duyệt kế hoạch giảm tổng đàn lợn thịt và bảo vệ đàn lợn giống để phục vụ tái đàn sau khi kiểm soát được dịch bệnh.
Theo đó, Cà Mau sẽ hỗ trợ các tổ chức, cá nhân thu mua và vận chuyển lợn giết thịt trong tỉnh và hỗ trợ các cơ sở, hộ chăn nuôi xuất bán lợn thịt 100.000 đồng/con (loại từ 75 kg/con trở lên).
Về bảo vệ đàn lợn giống, tỉnh sẽ hỗ trợ kinh phí nuôi giữ giống lợn nái 500.000 đồng/con, để nâng cao các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, tiêu độc khử trùng mầm bệnh, đảm bảo duy trì đàn lợn giống phục vụ tái đàn khi kiểm soát được dịch bệnh. Ngoài ra, hỗ trợ tinh lợn phối giống 4 liều/nái/năm (sau khi kiểm soát được dịch bệnh).
Tổng dự toán kinh phí thực hiện Kế hoạch gần 15 tỷ đồng. Thời gian thực hiện từ ngày 5/7/2019 đến khi kết thúc việc giảm đàn.
Tại tỉnh Thái Bình, ông Phạm Văn Dụng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình cho biết, đến nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Sở Tài chính Thái Bình đã hoàn thành thẩm định hồ sơ đề nghị hỗ trợ thiệt hại do bệnh dịch tả lợn châu Phi đợt 1 (từ ngày 12/2 đến 12/3/2019), theo chỉ đạo của UBND tỉnh, của 6 huyện, với số kinh phí đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ là gần 28 tỷ đồng.
Hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang đôn đốc các huyện, thành phố nộp hồ sơ đề nghị cấp kinh phí đợt 2 (từ ngày 13/3 đến 4/6/2019), để đoàn thẩm định của tỉnh tiếp tục thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt.
Ông Dụng cho biết thêm, quy trình cấp kinh phí hỗ trợ được thực hiện như sau: Căn cứ Quyết định của UBND tỉnh, Sở Tài chính thực hiện cấp bổ sung có mục tiêu qua ngân sách cấp huyện. UBND cấp huyện cấp bổ sung có mục tiêu qua ngân sách cấp xã.
UBND cấp huyện chỉ đạo UBND cấp xã thực hiện công khai danh sách các chủ vật nuôi có lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi buộc phải tiêu hủy được hỗ trợ kinh phí, với các hình thức như: niêm yết tại trụ sở UBND xã; thông báo bằng văn bản cho Đảng ủy, các tổ chức chính trị – xã hội ở cấp xã, phường, thị trấn và trưởng các thôn, tổ dân phố; công khai trên các phương tiên thông tin đại chúng tại xã, phường, thị trấn và tổ dân phố; công khai tại các cuộc họp thôn, tổ dân phố.
Kết thúc thời gian công khai danh sách các chủ vật nuôi có lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi buộc phải tiêu hủy được hỗ trợ kinh phí, UBND xã thực hiện chi trả cho các hộ dân theo đúng quy định hiện hành.
Tính đến ngày 9/7, bệnh dịch tả lợn châu Phi có tại 281 xã, phường, thị trấn của cả 8 huyện, thành phố. Tổng số lợn bị tiêu hủy là hơn 367.000 con, với tổng trọng lượng đã tiêu hủy là trên 18.000 tấn và tổng kinh phí phải hỗ trợ cho người chăn nuôi là trên 706 tỷ đồng.
Trong khi đó, bà Đinh Thị Phương Khanh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An, cho biết tỉnh chỉ đạo các huyện, thị xã và thành phố tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động người chăn nuôi lợn không tái đàn, nuôi mới trong thời điểm hiện nay khi tình hình dịch bệnh chưa ổn định.
Khuyến khích khích người dân bán bớt lợn lớn để giảm áp lực lây lan bệnh. Những nơi ở gần vùng dịch bệnh có nguy cơ lây lan cao, tạm dừng việc chăn nuôi lợn. Các trường hợp nhập lợn giống từ ngoài tỉnh để nuôi mới, tái đàn trong thời điểm này sẽ không được hưởng chính sách hỗ trợ nếu dịch bệnh xảy ra.
Trên địa bàn tỉnh Phú Yên, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại 4 huyện. Thực tế, qua thống kê số lượng lợn mắc tả lợn châu Phi, số ổ dịch phát sinh cho thấy nguy cơ lây lan ra diện rộng là tương đối thấp. Chính vì vậy, tỉnh Phú Yên chưa thực hiện việc công bố dịch bệnh tả lợn châu Phi.
Các ngành chức năng của tỉnh Phú Yên đã chủ động trong phòng, chống dịch. Đến nay, Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên đã thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống bệnh tả lợn châu Phi. Hai chốt kiểm dịch động vật tại Trạm kiểm dịch động vật Bình Phú (thị xã Sông Cầu, cửa ngõ phía Bắc đi vào tỉnh Phú Yên) và Trạm kiểm dịch động vật Hảo Sơn (huyện Đông Hòa, cửa ngõ phía Nam đi vào tỉnh Phú Yên) và 7/7 chốt kiểm dịch động vật tạm thời vẫn được duy trì hoạt động. Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên đã cấp 15.000 lít thuốc để tiêu độc khử trùng tại các ổ bệnh và các khu vực lân cận.
Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Phú Yên cho biết, các ổ dịch bệnh tả lợn châu Phi trên địa bàn 7 xã của 4 huyện trong tỉnh đã cơ bản được khống chế. Đến nay ổ bệnh thấp nhất là 18 ngày nhưng không phát sinh lợn mắc bệnh.
Tất cả lợn mắc bệnh buộc phải tiêu hủy đã được cơ quan chức năng thực hiện theo đúng quy định về tiêu hủy và xác định trọng lượng lợn. Các hộ chăn nuôi sẽ được hỗ trợ theo Quyết định 793/QĐ – TTg 2019 về mức hỗ trợ kinh phí phòng chống dịch tả lợn châu Phi, ngày 27/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ. Số tiền hỗ trợ sẽ được ngân sách địa phương chi trả sau khi hoàn thành các thủ tục.
Dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh Phú Yên không bùng phát mạnh, tuy nhiên chính quyền địa phương và cơ quan thú y vẫn khuyến cáo người chăn nuôi không nên dấu dịch bệnh; tăng cường các biện pháp phòng bệnh theo hướng dẫn. Các cơ sở buôn bán, giết mổ đã được yêu cầu không buôn bán, vận chuyển, giết mổ lợn chết, lợn không rõ nguồn gốc.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Phú Thọ, tình trạng lây lan bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh đang có chiều hướng chậm lại, số ổ dịch mới phát sinh và số hộ có lợn ốm, chết buộc tiêu hủy đã giảm dần.
Từ đầu tháng 7 đến nay đã có 3 xã Đỗ Xuyên (Thanh Ba), An Đạo (Phù Ninh), Tân Phương (Thanh Thủy) công bố hết dịch tả lợn châu Phi và 9 xã đã qua 30 ngày không phát sinh thêm lợn ốm, chết gồm các xã An Đạo, Tử Đà, Phú Lộc (huyện Phù Ninh); Hữu Đô (huyện Đoan Hùng); Sai Nga (huyện Cẩm Khê); Đỗ Xuyên (huyện Thanh Ba); Tân Phương (huyện Thanh Thủy); Xuân An (huyện Yên Lập); Hùng Lô (Việt Trì).
Ông Nguyễn Tất Thành, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Phú Thọ cho biết, UBND các huyện, thành, thị cũng đang khẩn trương triển khai hỗ trợ kinh phí cho các hộ chăn nuôi có lợn thuộc diện buộc tiêu hủy trong tháng 5/2019, theo đúng Quyết định số 1532/QĐ-UBND ngày 28/6/2019 của UBND tỉnh, về việc cấp hỗ trợ thiệt hại do bệnh dịch tả lợn châu Phi đảm bảo công khai, minh bạch, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng trục lợi.
Theo quyết định, cho chủ vật nuôi có lợn mắc bệnh, lợn nghi mắc bệnh lở mồm long móng, tai xanh, dịch tả lợn châu Phi buộc phải tiêu hủy được hỗ trợ với mức tối thiểu 80% giá thị trường cho lợn con và lợn thịt tại thời điểm có dịch bệnh xảy ra; hỗ trợ với mức từ 1,5 đến 2 lần so với mức hỗ trợ các loại lợn khác đối với lợn nái, lợn đực giống đang khai thác.
Cụ thể chủ hộ vật nuôi sẽ được hỗ trợ là 25.000 đồng/kg lợn hơi đối với lợn con, lợn thịt các loại; 30.000 đồng/kg lợn hơi đối với lợn nái, lợn đực đang khai thác. Riêng đối với các doanh nghiệp chăn nuôi nhỏ và vừa có mức giá là 8.000 đồng/kg lợn hơi đối với lợn con, lợn thịt các loại; 10.000 đồng/kg lợn hơi đối với lợn nái, lợn đực đang khai thác.
Còn doanh nghiệp nhỏ và vừa và chủ hộ nuôi giữ lợn giống cụ kỵ, ông bà được hỗ trợ với mức 500.000 đồng/con lợn đến ngày 31/12/2019 nhằm bảo đảm duy trì đàn lợn giống phục vụ tái đàn khi kiểm soát được dịch bệnh.
Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, từ ngày 16/5 đến ngày đầu tháng 7/2019, toàn tỉnh Phú Thọ đã có 151 xã, phường thuộc 13 huyện, thành, thị phải công bố bệnh dịch tả lợn châu Phi với 1.611 hộ, 593 khu; số lợn tiêu hủy tại các xã công bố dịch là 24.370 con với tổng trọng lượng lên đến trên 1.530 tấn. Đó là chưa tính đến số lượng tiêu hủy ở các xã chưa đủ điều kiện công bố dịch.
Tính đến ngày 17/7, dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại 62 tỉnh, thành phố trên cả nước, số lượng lợn mắc bệnh phải tiêu hủy là hơn 3,3 triệu con.
Ý kiến ()