Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Sáu, 10/01/2025 01:04 (GMT +7)
Hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO công nhận Công viên địa chất toàn cầu tại Lý Sơn
Thứ 2, 08/10/2018 | 15:18:00 [GMT +7] A A
Ngày 5/10, Ban Quản lý Công viên địa chất Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) phối hợp với Viện Khoa học địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức Hội nghị thông tin về Công viên địa chất Lý Sơn với sự tham gia của các chuyên gia đến từ Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Haute Provence (Cộng hòa Pháp).
Việc xây dựng và phát triển Công viên địa chất Lý Sơn sẽ tạo động lực phát triển ngành du lịch Quảng Ngãi. Ảnh: Phước Ngọc/TTXVN
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Ngọc Dũng nhấn mạnh, việc xây dựng và phát triển Công viên địa chất Lý Sơn thành một Công viên địa chất toàn cầu UNESCO sẽ tạo động lực phát triển ngành du lịch bền vững và tạo giá trị gia tăng cho những sản phẩm của cộng đồng địa phương.
Từ tháng 1/2018, Ban Quản lý Công viên địa chất Lý Sơn đã phối hợp với Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản tiến hành nhiều đợt khảo sát, đánh giá các giá trị địa chất, địa mạo, văn hóa, đa dạng sinh học trong phạm vi Công viên địa chất dự kiến.
Hội nghị nhằm giới thiệu tổng quan về Đề án, những khái niệm về Công viên địa chất toàn cầu UNESCO, chia sẻ một số kết quả điều tra, khảo sát về giá trị di sản trong khu vực Công viên địa chất Lý Sơn và thảo luận kế hoạch, những vấn đề cần làm trong thời gian tới.
Các chuyên gia Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi đã thảo luận, trình bày những ý kiến đóng góp xoay quanh vấn đề nhằm hoàn thiện hồ sơ, tính pháp lý về Công viên địa chất Lý Sơn, trình UNESCO sớm công nhận là Công viên địa chất toàn cầu.
Báo cáo tham luận của các chuyên gia chỉ ra rằng, lịch sử tiến hóa địa chất vùng Quảng Ngãi có đặc trưng nổi bật với hai giai đoạn hoạt động magma – biến chất mạnh mẽ vào Caledoni và Indosini. Giai đoạn Caledoni hoạt động magma có dấu ấn đậm nét hơn với các biểu hiện magma kiểu S phức hệ Đại Lộc Và Ma và trước đó là magma Chu Lai với các cấu tạo và kiến trúc đá migmatit đẹp mắt tạo nên các vết lộ đá cảnh quan lý thú tại đập Thạch Nham và chân cầu Hà Giá hoặc tạo nên thế núi hùng vĩ với nhiều thắng cảnh, suối thác ghềnh kỳ thú ở khu vực Trà Bồng, Bình Sơn.
Giai đoạn tạo núi Indosini đặc trưng cho mảng Đông Dương diễn ra kích phát vào 260 – 250 triệu năm trước với biểu hiện magma mạnh mẽ của granit Hải Vân dọc dải ven biển Mộ Đức – Sa Huỳnh tạo nên các dạng cấu tạo kiến trúc đẹp mắt và các dạng địa hình kỳ vĩ rất có ý nghĩa về giáo dục khoa học và du lịch cảnh quan khám phá.
Ngoài ra, còn phải kể đến sự xuất hiện của một loạt granit biến chất cao kiềm Bình Khương hay sự hiện diện phổ biến và khá tập trung ở vùng Tây Trà, Trà Bồng của các xâm nhập nhỏ thuộc hai phức hệ tương phản Trà Phong và Măng Xim tuổi Trias giữa – muộn phát sinh trong bối cảnh căng dãn mảng lục địa cũng là một nét độc đáo riêng của địa chất tỉnh Quảng Ngãi.
Như vậy, vùng quy hoạch xây dựng Công viên địa chất của tỉnh Quảng Ngãi có các di sản địa chất độc đáo, có nhiều ý nghĩa khoa học; kết hợp với những cảnh quan thiên nhiên cùng với các di sản địa chất, địa mạo, văn hóa và lịch sử khác trong vùng sẽ là những tiền đề quan trọng để xây dựng Công viên địa chất toàn cầu.
Tiến sĩ Trần Tân Văn, Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản cho biết, Hội nghị là cơ hội để chia sẻ rộng rãi với chính quyền và người dân trong tỉnh những giá trị di sản quý báu của tỉnh Quảng Ngãi. Những thông tin này không chỉ nhằm lập hồ sơ trình UNESCO mà còn phục vụ công tác quy hoạch phát triển của tỉnh theo hướng bền vững hơn.
Tiến sĩ Paul R. Dingwall – thành viên của IUCN và cố vấn UNESCO về Di sản Thế giới thông tin, một phần mở rộng của Công viên địa chất toàn cầu Lý Sơn là tiềm năng rất lớn để hình thành một Công viên địa chất toàn cầu UNESCO. Tuy nhiên, việc xây dựng một hồ sơ đề cử có tính thuyết phục và đạt được thành công sẽ đòi hỏi nhiều công việc hơn nữa như khảo sát, đánh giá các giá trị di sản văn hóa và tự nhiên xác định vị trí ranh giới; xác nhận khung hành chính và pháp lý; xây dựng dự thảo kế hoạch quản lý và tham vấn với các bên liên quan, đặc biệt là lãnh đạo và các thành viên của cộng đồng địa phương. Tất cả các vấn đề này là thách thức lớn.
Ông Guy Martini, Tổng Thư ký Chủ tịch Hội đồng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO kiêm Tổng Thư ký Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu cho hay, đến hiện tại tỉnh Quảng Ngãi đang theo hướng đi đúng đắn khi xác định rõ phạm vi, ranh giới của Công viên địa chất Lý Sơn. Tỉnh nên tiếp tục thực hiện các việc khác như quản lý về nhân sự, làm sao có được những người giỏi về chuyên môn, kỹ năng nhất định trong Ban quản lý. Đồng thời, tin tưởng tỉnh Quảng Ngãi sẽ nộp hồ sơ cho UNESCO vào năm sau.
Ý kiến ()