Chủ Nhật, 12/01/2025 11:30 (GMT +7)

Học sinh bị tăng huyết áp, đái tháo đường tuýp 2 do… uống nước ngọt

Thứ 2, 15/01/2018 | 10:16:00 [GMT +7] A  A

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, nước ngọt có ga, nước tăng lực và thức ăn nhanh là những loại thực phẩm hàng đầu dẫn đến các bệnh không lây nhiễm ở trẻ em như thừa cân, béo phì, tăng huyết áp, đái tháo đường…

Các loại nước ngọt có ga, nước tăng lực và thức ăn nhanh là những mặt hàng được rất nhiều học sinh ưa thích và được bán nhiều ở căng tin cũng như các hàng quán xung quanh các trường học.
Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm dinh dưỡng TP Hồ Chí Minh, đã có những dữ liệu nghiên cứu học sinh Việt Nam, đặc biệt là ở các đô thị lớn, tỷ lệ học sinh bị thừa cân, béo phì rất cao. Trong đó, một số học sinh bị tăng huyết áp, bị đái tháo đường tuýp 2.
Nước ngọt có ga là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến các bệnh không lây ở lứa tuổi học sinh.
Theo nghiên cứu dịch tễ của Trung tâm Dinh dưỡng TP Hồ Chí Minh tiến hành ở học sinh cho thấy, tỷ lệ thừa cân là 22,4% tăng 14,6% so với năm 2009; tỷ lệ béo phì là 19%, tăng 4% so với năm 2004 và đáng lưu ý, tỷ lệ này cao nhất ở học sinh tiểu học.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Đỗ Thị Ngọc Diệp cho rằng, nguyên nhân dẫn đến thừa cân, béo phì ở học sinh là do chế độ dinh dưỡng không hợp lý. Xuất phát từ việc học sinh ăn, uống nhiều nước ngọt, nước có ga, ăn ít rau và ít vận động. Hầu hết học sinh béo phì uống nước ngọt có ga nhiều hơn mức cho phép từ 1 đến 3 đơn vị.
“Thành phần chính của nước ngọt có ga là đường, khi uống vào, loại đường này chuyển hóa và hấp thu vào cơ thể rất nhanh, làm tăng đường huyết, rối loạn chuyển hóa gây tích mỡ, gây béo phì. Bên cạnh đó, loại nước này cung cấp năng lượng nhưng chỉ là năng lượng rỗng vì chủ yếu là đường chứ không có nhiều dinh dưỡng. Riêng khí ga trong nước là khí CO, dạ dày sẽ bị kích ứng, tăng thải canxi, ảnh hưởng đến chiều cao, độ rắn chắc của xương khi học sinh uống nhiều”, bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp cho biết.
Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP Hồ Chí Minh cũng cho biết thêm, các loại thức ăn nhanh như đồ chiên, xúc xích, mì gói không nguồn gốc… cũng là nguyên nhân gây thừa, cân béo phì cho học sinh.
Nhằm tăng cường công tác dinh dưỡng trong tình hình mới, mới đây Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 46/CT-TTg, trong đó có nội dung yêu cầu ngành giáo dục không cho quảng cáo, kinh doanh đồ uống có cồn, nước ngọt có ga và các thực phẩm không có lợi cho sức khỏe của học sinh.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình để giáo dục, hướng dẫn về dinh dưỡng và vận động thể lực phù hợp cho trẻ em, học sinh, đặc biệt là nhóm tuổi tiền dậy thì và dậy thì.
Đại diện nhiều trường học tại TP Hồ Chí Minh cho rằng, nếu chỉ cấm trong nhà trường thì không hiệu quả, bởi học sinh dễ dàng tìm mua những loại thực phẩm này ở những hàng quán xung quanh trường học. Theo đó, để đảm bảo sức khoẻ cho học sinh, cần phải có giải pháp quản lý ngoài nhà trường.
Đan Phương/Báo Tin tức

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu