Thứ Bảy, 01/02/2025 15:48 (GMT +7)

Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thi hành Luật CNTT năm 2006

Thứ 5, 23/11/2017 | 16:27:00 [GMT +7] A  A
Đã đăng vào 23/11/2017 lúc 16:27

Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) là một trong những nội dung được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đặc biệt quan tâm, chỉ đạo sát sao trong quá trình thực thi Luật CNTT. Hơn 10 năm qua, hoạt động ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước từng bước được triển khai đồng bộ, thống nhất, tạo tiền đề cho xây dựng chính phủ điện tử tại Việt Nam. Đây là nội dung được đánh giá tại hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thi hành Luật CNTT năm 2006. Hội nghị do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức sáng nay, 23/11 với sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ – Vũ Đức Đam, Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia về ứng dụng CNTT cùng đại diện các Bộ, Ban, ngành trung ương và địa phương.

Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thi hành Luật CNTT năm 2006

Theo báo cáo Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Liên Hợp quốc công bố tháng 8/2016, Việt Nam xếp thứ 89 trên thế giới, tăng 10 bậc so với xếp hạng năm 2014, đứng thứ 6 trong khối các nước Đông Nam Á. Ứng dụng CNTT trong nội bộ cơ quan nhà nước có những kết quả rõ rệt, bước đầu hình thành hoạt động quản lý nhà nước trên môi trường mạng. Tỷ lệ văn bản trao đổi hỗn hợp điện tử kèm văn bản giấy trong hoạt động nội bộ cơ quan nhà nước tại các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ là 59%, tại địa phương là 48%. Tất cả thủ tục hành chính của các Bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được cung cấp lên Trang/Cổng Thông tin điện tử của cơ quan nhà nước thành dịch vụ công trực tuyến mức độ 1, 2. Ứng dụng CNTT trong các ngành, lĩnh vực như kinh tế, giáo dục đào tạo, y tế, an ninh quốc phòng… đạt nhiều kết quả. Ngành công nghiệp CNTT trở thành ngành kinh tế quan trọng, tăng trưởng doanh thu bình quân toàn ngành trong 10 năm qua đạt trên 20%/năm. Tuy nhiên, nhìn chung quy mô toàn ngành CNTT còn nhỏ, hạn chế năng lực cạnh tranh trong khu vực và trên thế giới. Việc triển khai Luật CNTT, công tác quản lý nhà nước về CNTT còn tồn tại một số bất cập, nhất là trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, công tác thực thi pháp luật về CNTT, khó khăn về nguồn lực, kinh phí thực hiện…

Thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất Chính phủ giao Bộ chủ trì triển khai Đề án hiện đại hóa khung pháp lý về CNTT, thúc đẩy đầu tư và đổi mới trong toàn bộ hệ sinh thái kinh tế kỹ thuật số, bảo vệ lợi ích, đáp ứng kỳ vọng của người tiêu dùng, nâng cao năng lực cạnh tranh, phục vụ nhu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên số./.

Thanh Thủy – Võ Huy

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu