Thứ Tư, 15/01/2025 17:18 (GMT +7)

Hội nghị bàn tròn hỗ trợ hội nhập quốc tế của Việt Nam

Thứ 7, 18/06/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A  A

Để góp phần đẩy mạnh chuẩn bị trong nước cho giai đoạn Hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện sắp tới của Việt Nam, ngày 17/6/2016, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao phối hợp với Cơ quan Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức Hội nghị bàn tròn về “Hội nhập quốc tế của Việt Nam trong giai đoạn mới: nâng cao hiệu quả hội nhập và thúc đẩy hợp tác Nam – Nam”.

hoi nghi ban tron ho tro hoi nhap quoc te cua viet nam  hinh 0
Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn (giữa) phát biểu tại Hội nghị

Tham dự Hội nghị có hơn 50 đại biểu, gồm nhiều Đại sứ, Đại diện của Đoàn Ngoại giao và các tổ chức quốc tế tại Hà Nội, đại diện các Văn phòng Trung ương, Bộ ngành, Viện nghiên cứu, doanh nghiệp và địa phương.

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Bùi Thanh Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Ngoại giao, khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam về hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực trong đó hội nhập kinh tế quốc tế là trọng tâm. Trong giai đoạn phát triển mới, Việt Nam sẽ làm sâu sắc hơn hội nhập trong các lĩnh vực chính trị – quốc phòng – an ninh – văn hóa xã hội, đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó chú trọng đến yếu tố “thực thi”, tăng cường hội nhập khu vực thông qua việc tham gia Cộng đồng ASEAN và hội nhập toàn cầu thông qua nâng tầm đối ngoại đa phương.

Theo đó, trong 5 năm tới, hội nhập quốc tế của Việt Nam sẽ bước vào tầng nấc cao hơn hẳn so với hiện nay. Là nước đang phát triển, Việt Nam luôn coi trọng hợp tác Nam – Nam và trong khả năng của mình, sẵn sàng đóng vai trò tích cực hơn nữa nhằm thúc đẩy hợp tác Nam – Nam, chia sẻ kinh nghiệm của mình về Đổi mới, phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập quốc tế.

Bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam nhấn mạnh hội nhập quốc tế đóng góp quan trọng vào các thành tựu phát triển kinh tế – xã hội cũng như vị thế đối ngoại của Việt Nam. Đặc biệt, kinh nghiệm thành công của Việt Nam trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (MDGs) là những bài học quý báu, nên được chia sẻ với các nước, nhất là các nước đang phát triển, nhằm đóng góp vào việc triển khai Chương trình nghị sự phát triển bền vững SDGs đến 2030 của Liên hợp quốc, qua đó khẳng định vai trò tích cực của Việt Nam trong việc thúc đẩy hợp tác Nam – Nam.

hoi nghi ban tron ho tro hoi nhap quoc te cua viet nam  hinh 1
Bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam

Các đại biểu quốc tế và trong nước đã trao đổi nhiều ý kiến sâu sắc, đánh giá cao thành tựu đổi mới, phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam cũng như quyết tâm của Chính phủ Việt Nam tiếp tục hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng. Để nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế sắp tới, bên cạnh nỗ lực của mình, Việt Nam tiếp tục cần đến sự ủng hộ, hỗ trợ của cộng đồng quốc tế. Đẩy mạnh cải cách có ý nghĩa quan trọng, đặc biệt là cải cách thể chế, hoàn thiện hệ thống pháp luật, đào tạo nguồn nhân lực và hỗ trợ các khu vực dễ bị tổn thương khi Việt Nam hội nhập sâu rộng. Về hợp tác Nam – Nam, mô hình “2 1”, với sự hỗ trợ của 1 đối tác phát triển, sẽ giúp Việt Nam đóng góp tích cực, hiệu quả cho hợp tác Nam – Nam, đặc biệt là chia sẻ kỹ năng và kinh nghiệm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Phát biểu bế mạc Hội nghị, Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đánh giá cao các ý kiến đóng góp nhằm giúp Việt Nam nâng tầm hiệu quả hội nhập quốc tế sắp tới. Kết quả của Hội nghị sẽ là cơ sở quan trọng để góp phần giúp Việt Nam mở rộng hợp tác với bạn bè quốc tế nhằm nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế sâu rộng, nhất là việc triển khai các Hiệp định thương mại tự do (FTAs) thế hệ mới, và thúc đẩy vai trò của Việt Nam trong hợp tác Nam – Nam./.

Theo Bộ Ngoại giao

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu