Thứ Tư, 22/01/2025 11:45 (GMT +7)

Hội nghị toàn quốc về phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2022

Thứ 3, 26/04/2022 | 04:46:37 [GMT +7] A  A

Sáng nay 25/4, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành  Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Lâm dự tại điểm cầu tỉnh Long An.

Tại phòng họp trực tuyến Long An

Năm 2021, cả nước xảy ra 18/22 loại hình thiên tai, trong đó có 12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới; 326 trận dông, lốc, mưa lớn; 170 trận lũ, lũ quét, sạt lở đất; 139 trận động đất và 403 điểm sạt lở nguy hiểm. Mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề do dịch COVID-19 cũng như thiếu về nguồn lực, song với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành đã khắc phục khó khăn. Đặc biệt là sự chủ động của các địa phương và cộng đồng nên thiệt hại do thiên tai năm 2021 giảm đáng kể so với năm 2020 và các năm trước. Cụ thể, thiên tai năm qua đã làm 108 người chết và mất tích (giảm 70% so với năm 2020), thiệt hại về kinh tế trên 5.200 tỷ đồng (giảm 87% so với năm 2020).

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác phòng, chống thiên tai năm qua vẫn còn thiệt hạ đáng tiếc về người do chủ quan, bất cẩn; khả năng ứng phó với tình huống thiên tai lớn còn bị động, chưa đáp ứng yêu cầu; công tác khắc phục hậu quả triển khai còn chậm; công tác vận hành, điều tiết lũ hồ chứa còn bất cập;…

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, năm 2022 có khả năng xuất hiện bão mạnh trái quy luật với khoảng 12-14 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực biển Đông. Lượng mưa trong năm có xu hướng tăng trên phạm vi toàn quốc, khả năng cao xảy ra hiện tượng mưa cực đoan.

Để ứng phó với thiên tai trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chỉ đạo, các bộ, ngành, địa phương nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo và theo dõi, giám sát thiên tai, đảm bảo yêu cầu dự báo sớm, kịp thời, chính xác. Chủ động rà soát, kiểm tra, xây dựng phương án đảm bảo an toàn các công trình phòng chống thiên tai, nhất là hệ thống đê điều, hồ đập; sẵn sàng phương án ứng phó với thiên tai để không bị động, bất ngờ. Đồng thời, hoàn thiện tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về phòng, chống thiên tai, đảm bảo đủ năng lực và đáp ứng yêu cầu trong điều kiện thiên tai ngày càng khốc liệt./.

Kim Ngân - Hùng Anh

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu