Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Tư, 05/02/2025 16:55 (GMT +7)
Hội nghị trực tuyến toàn quốc về logistics
Thứ 2, 16/04/2018 | 10:57:00 [GMT +7] A A
Sáng nay, 16.4.2018, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về logistic, triển khai các biện pháp giảm chi phí, kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông. Tại Long An, ông Nguyễn Văn Được, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở ngành liên quan, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải tham dự hội nghị.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, cả nước hiện có khoảng 1.300 doanh nghiệp, bao gồm cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đăng ký kinh doanh chuyên ngành dịch vụ logistics. Ngoài ra còn có trên 3.000 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh một phần dịch vụ vận tải trong chuỗi cung ứng logistics.
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới WB, chỉ số hiệu quả dịch vụ logistics của Việt Nam đứng thứ 64/160 nước. Tốc độ phát triển bình quân hằng năm của ngành logistics Việt Nam khoảng 15%, là một trong những ngành dịch vụ tăng trưởng đều và bền vững. Tuy nhiên, theo Bộ Giao thông Vận tải, hiện tại, chi phí logistics của Việt Nam còn khá cao ở mức khoảng 20% GDP, đứng thứ 4 trong số các nước ASEAN. Trong tổng chi phí logistics hiện nay, chi phí giao thông vận tải chiếm khoảng 60% là quá cao.
Hội nghị cũng đề cập đến những khó khăn, vướng mắc của ngành logistics như: chất lượng mạng lưới giao thông nội địa thiếu đồng bộ, chất lượng còn thấp, tình trạng kẹt xe diễn ra thường xuyên; nhiều khu công nghiệp xây dựng xong nhưng chưa có đường giao thông, các khu công nghiệp xa hệ thống cảng biển cũng là những nguyên nhân gây đội giá vận tải nội địa.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo các bộ ngành, các tỉnh, thành phố thực hiện các giải pháp khai thông hành lang vận tải, tập trung thu hút đầu tư vào phát triển hạ tầng logistics, xây dựng các trung tâm logistics cấp khu vực và quốc tế, nâng cao hiệu quả kết nối giữa Việt Nam với các nước. Đối với các doanh nghiệp đầu tư, khai thác, kinh doanh dịch vụ logistics, phải hình thành chuỗi sản phẩm, dịch vụ có đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, phát triển các doanh nghiệp dịch vụ logistics theo phương châm hiện đại, chuyên nghiệp. Ngoài ra các doanh nghiệp cần chú ý ứng dụng các công nghệ mới, đào tạo nhân lực chuyên nghiệp, trình độ cao về logistics, góp phần thúc đẩy Việt Nam hội nhập thương mại toàn cầu khi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà Việt Nam là thành viên chính thức có hiệu lực.
HỮU MINH
Ý kiến ()