Thứ Sáu, 24/01/2025 01:49 (GMT +7)

Hồi phục ngành cá tra – Bài 2: Vượt qua ‘ám ảnh’

Thứ 5, 21/06/2018 | 11:08:00 [GMT +7] A  A

Bài học về cuộc khủng hoảng thừa của ngành cá tra trong những năm qua vẫn còn “ám ảnh” đối với những người làm trong ngành hàng này. Thế nên, dù có nhiều thuận lợi phát triển trong 6 tháng đầu năm nay, nhiều doanh nghiệp vẫn lo lắng khi nội tại của ngành còn khá nhiều bất cập cần giải quyết, nhất là liên quan đến vấn đề con giống, thương hiệu…

Giống cá – điểm cốt tử
Nhân viên của Trại giống thủy sản Đồng Tháp Mười – Trung tâm khuyến nông tỉnh Long An đang kiểm tra cá tra mẹ trước khi tiến hành sản xuất con bột cá tra. Ảnh: Anh Đức/TTXVN

Từ giữa năm 2017, sự thiếu hụt nguồn cung cá tra đã được cảnh báo, tuy nhiên, do nguồn cá giống không được đầu tư căn cơ nên người nuôi, doanh nghiệp khó có nhiều con giống chất lượng để thả nuôi. Đây cũng là yếu tố mấu chốt gây thiếu hụt nguồn cung cá tra nguyên liệu trong suốt thời gian qua.

Theo ông Ông Hàng Văn, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần thuỷ sản Trường Giang (Đồng Tháp), ngành cá tra vẫn đang bị áp lực về con giống, hiện tượng thoái hoá giống khá phổ biến nhưng chưa tìm được cách cải tạo đàn giống. Dù ngành nông nghiệp đã có nhiều chính sách, hỗ trợ cải tạo giống cá nhưng đến nay vẫn chưa mang lại hiệu quả.

Bằng chứng là từ lúc nuôi cá giống 30 con/kg cho đến lúc thu hoạch 900 gram/kg/con thì tỷ lệ hao hụt lên đến 60%, người nuôi chỉ thu hoạch được 40%. Điều này khiến giá thành sản xuất của cá tra hiện nay khá cao. Nếu khắc phục được điều này thì ngành cá tra mới có thể phát triển được bền vững trong thời gian tới.

Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp hiện không muốn đầu tư vào khâu con giống, vì ít có lãi và rất vất vả. Ngay cả những doanh nghiệp xuất khẩu lớn nhất hiện nay trong ngành đang sản xuất, chế biến theo chuỗi khép kín, có nhà máy sản xuất thức ăn thuỷ sản, vùng nguyên liệu, nhà máy chế biến xuất khẩu… thế nhưng vẫn “bỏ ngỏ” khâu giống.

Theo các doanh nghiệp, đa số cá tra giống hiện nay đều do các trung tâm giống quốc gia nghiên cứu phát triển. Trung tâm này có đưa đàn cá bố mẹ cho một số doanh nghiệp ương nuôi. Thế nhưng, do không có nhiều lợi nhuận nên trong quá trình ương bột các doanh nghiệp này lại sử dụng kháng sinh làm cho con cá giống khi chuyển vào ao nuôi thương phẩm sẽ dễ nhiễm bệnh, tỷ lệ hao hụt cao.

Chính sự phát triển thiếu bài bản như trên là nguyên nhân chính khiến nhiều diện tích ương nuôi giống cá tra phát triển ồ ạt ở một số tỉnh Đồng bằng sông Cửa Long trong những tháng đầu năm nay. Thậm chí, tại một số địa phương ở Long An, Đồng Tháp, người dân còn đào đất lúa chuyển sang ương nuôi cá tra, phá vỡ quy hoạch sản xuất của địa phương.

Và kết quả là từ giữa tháng 5/2018 đến nay, giá cá tra giống ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã quay đầu giảm mạnh do nguồn cung dồi dào. Nếu như cách đây 2 tháng, giá cá tra giống lên đến 60.000 đồng/kg đối với loại 30 con/kg, thì nay chỉ còn dao động khoảng 20.000 đồng/kg. Giá cá tra thịt cũng đang có xu hướng chững lại, giảm từ 32.000 đồng/kg, còn khoảng 27.000-28.000 đồng/kg.

Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang phối hợp với UBND tỉnh An Giang triển khai Đề án liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao tại tỉnh này và dự kiến sẽ nhân rộng sang các tỉnh thành khác trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, việc đầu tư nghiên cứu nâng cao chất lượng con giống cần phải nhanh chóng triển khai hơn nữa thì mới có thể đáp ứng được nhu cầu thị trường, cũng như tháo gỡ những bất cập trong khâu giống hiện nay của ngành hàng cá tra.

Cấp bách chuyện xây dựng thương hiệu

Công nhân Công ty TNHH thủy sản Đại Đại Thành thu hoạch cá tra thương phẩm tại vùng nuôi cá tra của công ty có diện tích 75ha ở xã Thạnh Hưng, Thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An. Ảnh: Anh Đức/TTXVN
Theo bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch Uỷ ban cá nước ngọt của VASEP, với sản lượng và giá trị xuất khẩu cá tra Việt Nam đã đạt được trong khoảng thời gian từ cuối năm 2017 đến nay đã làm cho một số nước châu Á “thèm muốn” và có khả năng họ sẽ tham gia vào ngành công nghiệp nuôi cá tra trong thời gian tới.

Trong khi đó, ngành cá tra Việt Nam hiện vẫn còn hạn chế về chất lượng con giống, kiểm soát chất lượng, việc áp dụng công nghệ tiên tiến trong chế biến sản xuất… Điều này đặt ngành cá tra vào một thế cạnh tranh mới, cần phải tập trung hơn nữa trong việc quảng bá, xây dựng thương hiệu cá tra Việt Nam.

Mới đây, tại hội nghị của các doanh nghiệp thuỷ sản được tổ chức ở Tp. Hồ Chí Minh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam, người phụ trách phát triển thị trường nông sản cho biết, sẽ chỉ đạo các đơn vị rà soát lại các văn bản, đề án liên quan để sớm xúc tiến việc xây dựng thương hiệu quốc gia cho sản phẩm cá tra.

Trong thời gian qua, dù là mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu tỷ đô, nhưng việc chưa xây dựng được thương hiệu mang tầm quốc gia đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển bền vững của ngành hàng này. Thực tế cũng cho thấy, dù ngành hàng cá tra đã phát triển hơn 20 năm nay, nhưng liên tục bất ổn và thiếu bền vững, bị ảnh hưởng xấu do truyền thông nước ngoài bôi nhọ. Hiện cá tra là một trong những sản phẩm nằm trong danh mục sản phẩm quốc gia.

Theo đại diện VASEP, trong thời gian tới, Uỷ ban Cá nước ngọt của VASEP cũng sẽ mở rộng Ban điều hành với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đầu ngành để nhận diện thêm những mối nguy của ngành cá. Từ đó, có thể tìm ra lộ trình để phát triển ngành bền vững hơn. Đồng thời, VASEP sẽ tiếp tục xây dựng, mở rộng Quỹ phát triển thị trường để có nguồn lực tốt hơn trong quảng bá, xúc tiến thương hiệu cá tra trên thị trường.

Hiện ở thị trường EU – nơi cá tra Việt thường xuyên bị truyền thông nước ngoài bôi xấu hình ảnh, một trang website đa ngôn ngữ chuyên giới thiệu về ngành cá tra Việt Nam cũng như phản ứng nhanh với các thông tin sai lệch, tiêu cực đã được VASEP phối hợp với các doanh nghiệp xây dựng. Nội dung ở website này (Youreverydayfish.com) cũng được tích hợp, kết nối với các phương tiện truyền thông xã hội như Facebook, Instagram, Twitter… để người tiêu dùng dễ tiếp cận.

Ngoài việc giải quyết những vấn đề bất cập trong nội tại ngành cũng như chú trọng đến quảng bá thương hiệu, các chuyên gia cho rằng, bản thân các doanh nghiệp trong ngành cá tra cần tập trung đầu tư công nghệ trong sản xuất, chế biến để nâng cao chất lượng sản phẩm.
Chỉ có con đường nâng cao chất lượng sản phẩm mới giúp doanh nghiệp và ngành hàng có thể xuất khẩu với giá bán tốt cũng như giữ uy tín trên các thị trường; trong đó có thị trường Trung Quốc. Đồng thời, các doanh nghiệp cần có sự đoàn kết hơn nữa, nhất là tránh cạnh tranh lẫn nhau bằng cách hạ giá bán. Điều này không chỉ “giết chết” doanh nghiệp mà có thể khiến cả ngành rơi vào khủng hoảng như những năm trước đây.
Theo Hứa Chung (TTXVN)

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu