Thứ Sáu, 24/01/2025 04:36 (GMT +7)

Hơn 2.000 container phế liệu tồn đọng do Trung Quốc siết chính sách môi trường

Thứ 5, 12/07/2018 | 15:42:00 [GMT +7] A  A

Đối diện với nguy cơ ô nhiễm, nhưng Hải quan Hải Phòng chưa tìm ra cách tháo gỡ vì phía Cảng và doanh nghiệp vận tải đòi tiền lưu kho.

Trước tình trạng cả nghìn container phế liệu và hàng đông lạnh bị bỏ tại các cảng biển Hải Phòng, đại diện Hải quan Hải Phòng cho biết, thời gian qua, đơn vị đã đẩy mạnh việc xử lý tình trạng trên, hơn 3.600 container được xác minh, tìm giải pháp tháo gỡ.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nên hiện vẫn còn khoảng 2.300 container hàng tồn, chủ yếu là phế liệu các loại và một phần thực phẩm đông lạnh.

Theo lý giải của Hải quan Hải Phòng, hầu hết lô hàng có giá trị thấp, chi phí lưu container phát sinh lớn. Nhiều lô hàng thuộc danh mục cấm, buộc phải tiêu hủy. Chi phí tiêu hủy phía chủ hàng phải chịu, do đó họ thường từ chối trách nhiệm liên quan.

Ngoài ra, các hãng tàu và doanh nghiệp cảng chưa thực sự phối hợp, chia sẻ với hải quan trong việc xử lý hàng tồn, hàng hóa thuộc diện tịch thu, tiêu hủy. Đơn cử có trường hợp hải quan đến làm thủ tục rút hàng, tang vật đi xử lý thì bị doanh nghiệp cảng làm khó.

Tính đến tháng 3/2018, chi nhánh cảng Tân Vũ có 514 container hàng tồn. Ảnh: Giang Chinh

“Họ yêu cầu phải trả chi phí lưu bãi, bảo quản, cắm điện từ ngày hàng về cảng hoặc phải chờ để cảng làm việc, thống nhất với hãng tàu mới cho hải quan làm thủ tục rút hàng…”, đại diện Hải quan Hải phòng nói.

Vị này cho hay, khi doanh nghiệp cảng đồng ý cho rút hàng, đến lượt các hãng tàu lại viện nhiều lý do như: phải chờ ý kiến chính thức của người giao hàng nước ngoài, người đứng tên trên chứng từ tại Việt Nam, hải quan phải thanh toán tiền cước, phí cho hãng tàu thì hãng mới đồng ý.

“Với đủ các chiêu giữ hàng, đòi tiền dịch vụ, các loại phí của doanh nghiệp cảng và hãng tàu chính là nguyên nhân chính khiến cho Hội đồng thanh, xử lý hàng tồn thuộc Cục Hải quan Hải Phòng khó thực hiện”, Cục phó Hải quan Hải Phòng Nguyễn Sỹ Tráng thông tin. Ông cũng nhấn mạnh, Hải quan không có tiền và ngân sách nhà nước cũng không thể bỏ ra cả trăm tỷ để đáp ứng các điều kiện của doanh nghiệp liên quan đến việc xử lý container vi phạm.

Theo ông Tráng, các cảng biển Hải Phòng phần lớn là cảng quốc tế, dịch vụ hàng hóa cho cả Trung Quốc nên sẽ khó tránh hàng tồn đọng. Hàng phế liệu tồn nhiều thời gian qua là do Trung Quốc siết chặt việc nhập hàng phế liệu tái chế để bảo vệ môi trường. Từ đầu năm 2018, có 24 danh mục phế liệu tái chế đã bị Trung Quốc cấm nhập, do vậy nhiều container thuộc hàng tạm nhập tái xuất đi Trung Quốc bị ách tắc tại Hải Phòng.

Ông Cao Trung Ngoan, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng cho rằng, hàng hóa tồn đọng nhiều năm với số lượng lớn đã gây thiệt hại về kinh tế không nhỏ cho doanh nghiệp. Chính vì vậy, doanh nghiệp chỉ đồng ý để hải quan thanh lý hàng, khi các khoản phí bốc xếp, lưu kho, tiền điện… được nhà nước hỗ trợ. Những lô hàng thuộc diện tiêu hủy, ông Ngoan cho hay đơn vị sẵn sàng chia sẻ khó khăn về tài chính với nhà nước.

Trước đó, nhiều doanh nghiệp cảng ở Hải Phòng đã phản ánh tình trạng hàng nghìn container hàng tồn không chỉ gây thiệt hại về kinh tế, mà còn tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường… Các doanh nghiệp nhiều lần gửi đơn thư kiến nghị tới các bộ, ngành đề nghị tháo gỡ. Chính phủ đã chỉ đạo cơ quan chức năng vào cuộc, giao Hải quan Hải Phòng thành lập Hội đồng thanh xử lý hàng tồn đọng.

Theo Giang Chinh/ VnExpress

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu