Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Chủ Nhật, 19/01/2025 16:12 (GMT +7)
Họp trực tuyến chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Và Bộ TTTT
Thứ 3, 18/04/2017 | 15:14:00 [GMT +7] A A
Sáng nay, Ủy ban thường vụ Quốc hội tổ chức phiên họp trực tuyến với 63 tỉnh, thành trên cả nước về chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội. Tại điểm cầu Long An, Phó trưởng Đoàn Chuyên trách Đại biểu Quốc hội tỉnh Trương Văn Nọ chủ trì hội nghị.
Quang cảnh phiên họp trực tuyến chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH. Điểm cầu Long An.
Tại phiên họp, các đại biểu Quốc hội ở các địa phương chất vấn các vấn đề về “Giải pháp để đẩy nhanh việc rà soát, giải quyết chế độ, chính sách đối với người có công, đặc biệt là những hồ sơ còn tồn đọng, vướng mắc. Thực trạng công tác quản lý nhà nước về đào tạo nghề; Việc giải quyết việc làm cho thanh niên, nhất là thanh niên ở vùng nông thôn, bộ đội, công an xuất ngũ. Vấn đề chuyển đổi, quản lý các trung tâm cai nghiện trong cả nước.”.
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, các giải pháp khắc phục những vướng mắc trong thực hiện chính sách người có công, trong đó ưu tiên giải quyết 5.900 hồ sơ còn tồn đọng.Về giáo dục nghề nghiệp, Bộ trưởng đã nêu 10 nhóm giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước; Cùng nhiều giải pháp đẩy mạnh giải quyết việc làm cho thanh niên. Đối với vấn đề chuyển đổi, quản lý các Trung tâm cai nghiện, Bộ đã có văn bản số 1080 gởi UBND các tỉnh, thành phố đề nghị chuyển đổi các Trung tâm chữa bệnh giáo dục lao động xã hội thành Cơ sở cai nghiện ma túy.
Trước đó theo báo cáo cho thấy, cả nước hiện vẫn còn khoảng 28.500 trường hợp tự kê khai là người có công chưa được hưởng chính sách; trên 5.900 hồ sơ đề nghị xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh còn tồn đọng. Về lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, trên cả nước có gần 2 ngàn cơ sở giáo dục nghề nghiệp, khối dạy nghề đã tuyển sinh được trên 2 triệu người, trong đó Cao đẳng nghề và trung cấp nghề đạt 55%, sơ cấp nghề, dạy nghề dưới 3 thángđạt 107% kế hoạch; Về việc làm cho thanh niên, cả nước có trên 2/3 số người thất nghiệp là thanh niên, chiếm trên 70%. Về vấn đề chuyển đổi, quản lý các Trung tâm cai nghiện, hiện cả nước có trên 210.700 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, tăng trên 10 ngàn người so với cùng kỳ năm 2015, ngoài nghiện Heroin, số người sử dụng ma túy tổng hợp tăng nhanh, đặc biệt ở các tỉnh, thành phía Nam như: TPHCM, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu…
Phát biểu kết luận tại phiên chất vấn, Phó Chủ tịch Quốc hội – Tòng Thị Phóng ghi nhận và đánh giá cao phần giải trình khá đầy đủ của Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội. Đồng thời đề nghị thời gian tới, các đại biểu Quốc hội, cơ quan Quốc hội tăng cường giám sát việc thực hiện lời hứa, cam kết của Bộ trưởng tại phiên chất vấn này.
Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông – Trương Minh Tuấn đã trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về các vấn đề: Công tác quản lý an toàn thông tin mạng; việc xử lý các cá nhân, tổ chức có hành vi đăng tải thông tin xuyên tạc, sai sự thật trên các phương tiện thông tin, điện tử gây hoang mang trong dư luận, gây thiệt hại về kinh tế, tổn hại danh dự, nhân phẩm của cá nhân, tổ chức khác; Việc kiểm duyệt chương trình, nội dung quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Cũng tại phiên chất vấn, đại biểu Đặng Hoàng Tuấn – Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Long An chất vấn về hệ thống phương án ứng cứu khẩn cấp bảo đảm an toàn thông tin mạng quốc gia có đề cập việc hình thành các Đội ứng cứu sự cố máy tính ở địa phương nhưng qui định tiêu chuẩn, chức danh, chính sách, chế độ đối với các thành viên như thế nào để triển khai thống nhất, đồng bộ trên toàn quốc ?
Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ TTTT cho biết: Mạng lưới điều phối ứng cứu sự cố quốc gia hiện nay có 124 thành viên, trong đó có 25 đơn vị chuyên trách công nghệ thông tin thuộc các bộ, cơ quan ngang Bộ; 63 Sở TTTT; 27 doanh nghiệp ISP và 09 thành viên tự nguyện. Đây là cơ sở dữ liệu quan trọng hỗ trợ cho việc quản lý và nâng cao hoạt động của mạng lưới ứng cứu sự cố đi vào thực chất, tăng cường sự phối hợp giữa VNCERT và các Sở TTTT, từng bước đưa các đội ứng cứu sự cố an toàn thông tin dần trở thành lực lượng chủ chốt cho công tác bảo đảm an toàn thông tin. Theo đó, mỗi địa phương cần xây dựng kế hoạch, phương án dự báo tình huống để ứng cứu sự cố.
Trước đó theo báo cáo, trong 3 năm trở lại đây, số lượng các cuộc tấn công mạng có chiều hướng tăng so với các năm trước, nhất là các cuộc tấn công vào hệ thống thông tin của cơ quan nhà nước và các doanh nghiệp lớn. Chỉ tính trong quí 1 năm 2017, cả nước ghi nhận gần 3.700 sự cố tấn công mạng.
Phát biểu kết luận tại phiên chất vấn, Ủy ban thường vụ Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao phần giải trình khá đầy đủ của hai Bộ trưởng. Đồng thời đề nghị thời gian tới, các đại biểu Quốc hội, cơ quan Quốc hội tăng cường giám sát việc thực hiện lời hứa, cam kết của hai Bộ trưởng tại phiên chất vấn hôm nay.
Hồng Xuyến – Võ Huy
Ý kiến ()