Thứ Tư, 12/02/2025 07:58 (GMT +7)

Hương lúa vươn xa

Thứ 7, 13/10/2018 | 10:08:00 [GMT +7] A  A

Trên đường tìm thêm hướng đi hiệu quả hơn từ cây lúa, thay vì thu hoạch lúa bông như thông thường, một số nông dân Long An đã khai thác thân lúa non chế tác thành các mặt hàng mỹ nghệ xuất khẩu. Cách làm độc đáo này không chỉ mang lại thu nhập khá, giải quyết lao động nông nhàn mà còn nâng bước cho hương cây lúa bay xa.

Những mặt hàng này đã được các khách hàng tận Đài Loan rất ưa chuộng và đặt hàng ổn định.

Những mặt hàng thủ công mỹ nghệ này đã được các khách hàng tận Đài Loan rất ưa chuộng và đặt hàng ổn định cho một đơn vị thủ công mỹ nghệ ở Long An sản xuất từ hơn 20 năm nay. Nét độc đáo của những sản phẩm này khiến khó ai nghĩ rằng, nó được hóa thân từ loại cây thân quen và mộc mạc, nếu không có mùi hương ngọt ngào của thân lúa xanh, được bàn tay khéo léo của những nghệ nhân chế tác trong xưởng.

Hàng trăm lao động có việc làm quanh năm nhờ xưởng sản xuất này

Phân xưởng TCMN thuộc công ty xây lắp cơ khí và lương thực thực phẩm Mecofood này đều đặn làm ra 1,2 triệu sản phẩm mỗi năm, giải quyết việc làm cho hàng trăm lượt lao động. Muốn vậy, xưởng cần từ 8 đến 10 tấn nguyên liệu lúa non và nửa tấn rơm sấy mỗi ngày. Nguồn nguyên liệu này được bà con nông dân thu hoạch từ thân cây lúa khoảng trên dưới 60 ngày tuổi, lúc lúa đang màu xanh mướt, có chiều dài từ 55 đến 60 cm, đặc biệt là có mùi hương ngào ngạt tỏa ra từ thân lúa ôm đòng đòng.

Anh Hồ Văn Lễ ở TP. Tân An đã gắn với cây lúa non này từ hơn 20 năm nay. Đất Châu Thành là nơi cung cấp nguyên liệu tập trung trong những ngày đầu tiên cây lúa non được đi nước ngoài. Những năm gần đây khi cây thanh long lấn dần, cây lúa non chỉ còn được trồng ở rải rác các nơi như TP. Tân An, Thủ Thừa, Bến Lức….Anh cho biết: “Làm cũng giống như lúa thường, nhưng mình lợi hơn một vụ. Tuy nhiên chi phí phân bón rất nặng, do đất thiếu dinh dưỡng”.

Người cắt lúa thu nhập từ 250 đến 300 ngàn, còn người gánh lúa cũng có thu nhập từ 350 đến 400 ngàn đồng/ngày

Còn ông Nguyễn Văn Theo, một người đã theo nghề thu hoạch lúa non hơn 20 năm ở phường 5, TP. Tân An chia sẻ: “Làm lúa non thu nhập khá hơn và tránh được đổ ngã”. “Làm nghề này có việc làm hàng ngày, được cái là thu nhập cũng khá. Mọi năm thì làm dưới đồng Tầm Vu, nhưng nay trồng thanh long hết rồi nên về đồng này..”

Ngoài việc phải bón phân nặng tay hơn lúa thông thường, thì cây lúa non có ưu điểm rút ngắn được gần 30 ngày, do đó mỗi năm người dân làm được 4 vụ. Hiện tại đất Nhơn Thạnh Trung, TP. Tân An cho khoảng 25 tấn/ha/vụ, giá bán từ 2,5 đến 3 triệu đồng 1 tấn tại ruộng. Người lao động vì vậy cũng có được việc làm gần như quanh năm, người làm lúa non cũng tránh được những rủi ro do sâu rầy, đổ ngả và những bấp bênh đến từ giá cả.

Đất Nhơn Thạnh Trung, TP. Tân An cho khoảng 25 tấn/ha/vụ, giá bán từ 2,5 đến 3 triệu đồng 1 tấn tại ruộng

Cái khó cho nghề làm lúa non là hiện nay công làm rất thiếu, ngoài ra khi cung cấp lúa non, bà con phải tìm cung cấp cả nguồn rơm sấy từ các giống lúa dài ngày, lại phải đập bằng tay. Những năm gần đây nguồn nguyên liệu này chỉ còn ở một số khu vực thuộc Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc.

Mặc dù vậy, người nông dân vẫn cần mẫn trên đồng ruộng của mình, cung cấp hàng chục tấn mỗi ngày, những chất liệu xanh non, thoảng mùi hương ngọt ngào cho xưởng sản xuất. Từ hơn 20 năm nay, người nông dân chân lấm tay bùn cùng các nghệ nhân đã tự tin nâng tầm cây lúa và đưa hương lúa quê mình vượt biên giới bay xa.

Võ Văn Huy

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu