Thứ Sáu, 17/01/2025 13:24 (GMT +7)

Hướng nghiệp để giảm thất nghiệp cho thanh niên

Thứ 2, 16/05/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A  A

Tỷ lệ thanh niên thất nghiệp cao trong những năm vừa qua một phần là do công tác hướng nghiệp còn bị bỏ ngỏ bởi các trường PTTH và chính gia đình các em học sinh. Rất may là tư duy này đang dần thay đổi.

Loay hoay tìm việc làmNhà anh Lã Quang Thắng (xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội) nằm trong diện bị thu hồi đất phục vụ khu công nghiệp. Cũng như nhiều thanh niên trong vùng, anh lâm vào cảnh thất nghiệp khi không còn đất canh tác. “Một số bạn cùng trang lứa tiếp tục học lên đại học, một số tự tìm việc làm theo hình thức công nhật bấp bênh, cũng bởi không có định hướng để học nghề ngay từ sau khi tốt nghiệp THPT”, anh Lã Quang Thắng chia sẻ.

Đào tạo nghề cho thanh niên ngoại thành Hà Nội.

Chị Tạ Thị Lý, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) cho biết: “Hồi học PTTH, hướng nghiệp trong trường rất sơ sài, việc định hướng nghề nghiệp theo tâm lý đám đông và sự mách bảo của bạn bè. Do đó, khi có người giới thiệu có đơn vị nào tuyển người mới tìm hiểu và học nghề đó. Việc định hướng, học nghề để tìm việc không có”.

Đánh giá của Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội, nhu cầu tìm nhân lực của các doanh nghiệp rất lớn và đối tượng đến tìm việc cũng rất nhiều, chiếm tới 80% là thanh niên. Tuy nhiên lại không nhiều lao động tìm được việc làm, lý do là chưa khớp nối được thông tin giữa cung và cầu trong lao động, đặc biệt là nhu cầu ngành nghề của từng khu vực: Có tới 70% người đến tìm việc là trình độ đại học, trong khi 70% nhu cầu của doanh nghiệp là tuyển lao động có tay nghề. Sự lệch pha này đang là một nhân tố khiến cung – cầu lao động chưa gặp nhau. Điều này cũng cho thấy định hướng nghề nghiệp cho thanh niên, mà cụ thể là học sinh cuối cấp THPT còn rất yếu.

Thống kê của Thành đoàn Hà Nội, bình quân mỗi năm, Hà Nội có khoảng 200.000 lao động trẻ thiếu việc làm, trong đó, đối tượng thanh niên khu vực ngoại thành chiếm 80%. Vấn đề yếu nhất của thanh niên hiện nay thiếu kỹ năng nghề do không được học đúng ngành nghề thị trường cần. Một bộ phận thanh niên học nghề theo thị hiếu, gây lãng phí trong đào tạo cho cả gia đình và xã hội.

Ông Lê Quang Trung, Phó Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động, Thương binh, Xã hội (LĐTBXH) cho biết: “Theo khảo sát, tỷ lệ thất nghiệp thanh niên chiếm trên 60%, trong đó chỉ có hơn 22% thanh niên có trình độ chuyên môn kỹ thuật. Điều này khiến tỷ lệ thanh niên thất nghiệp cao trong thời gian qua. Thực tế cho thấy hiện nay chưa có dự báo cung cầu dài hạn trên thị trường lao động. Việc dự báo mới chỉ khoảng 2 năm và cũng tác động định hướng nhu cầu việc làm của thanh niên trong lựa chọn nghề nghiệp”.

Nhận thức đang thay đổi

Ông Cao Văn Sâm, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục dạy nghề (Bộ LĐTBXH) cho rằng, việc công bố bản tin thị trường cho thấy nhiều sinh viên tốt nghiệp thất nghiệp và tỷ lệ học sinh THPT chọn chỉ thi tốt nghiệp ngày càng cao, thể hiện đã có sự thay đổi trong tư duy hướng nghiệp. Nhiều em đã chọn học nghề bởi chi phí thấp, học viên được hỗ trợ 50% kinh phí, nhiều nghề được miễn học phí, ra trường có ngay việc làm.

Theo thống kê của Tổng cục dạy nghề, có tới 70% học viên, sinh viên học nghề ra trường có việc làm ngay; thậm chí có những nghề, những trường đảm bảo tới 100% học viên ra trường có việc làm. Có những ngành “hot”, doanh nghiệp vào tuyển dụng ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Khi đã có tay nghề, học sinh có nhiều con đường để lập nghiệp hơn, nếu không làm thuê cho các doanh nghiệp, thì có thể ra mở tiệm làm riêng. Khi đã có kinh nghiệm, muốn học nâng cao tay nghề cũng rất đơn giản, vì theo Luật Giáo dục dạy nghề, học sinh học trường nghề có thể học liên thông lên ĐH khi có điều kiện.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư BCH Trung ương Đoàn cho biết: Để hỗ trợ và giải quyết việc làm cho thanh niên, nhất là sinh viên ra trường, Đoàn thanh niên tập trung giải pháp tư vấn hướng nghiệp để học sinh, thanh niên có thể tự tìm ngành nghề phù hợp, qua đó giảm thất nghiệp; đồng thời hỗ trợ kỹ năng nghề để nâng cao khả năng tự tìm việc làm.

Việc định hướng nghề nghiệp cần định hình ngay từ THCS. Từ năm 2014 – 2015, việc tư vấn đã mở rộng đến cả phụ huynh. Hệ thống đoàn phấn đấu 100% trường THPT phải tổ chức hướng nghiệp trước thời điểm nộp hồ sơ khoảng 3 tháng để góp phần định hướng tốt nhất. Để làm vấn đề này, cần có sự hỗ trợ của Bộ LĐTBXH về cung cầu thị trường lao động.

Theo các chuyên gia lĩnh vực lao động, Luật Giáo dục nghề nghiệp có nhiều ưu đãi thu hút học nghề như người học được miễn học phí đối với các đối tượng chính sách xã hội; đối với người học tốt nghiệp trung học cơ sở (lớp 9) khi học trung cấp; đối với những nghề khó tuyển sinh nhưng xã hội có nhu cầu và những ngành nghề đặc thù. Tuy nhiên, việc truyền thông và tư vấn hướng nghiệp từ phía Tổng cục Dạy nghề và các trường nghề còn yếu; nên chưa khuyến khích được học sinh tham gia học nghề. Các trường dạy nghề nên phối hợp với các trường THPT, mời doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động trực tiếp tư vấn hướng nghiệp cho học sinh, qua đó giúp giảm tỷ lệ sinh viên ra trường thất nghiệp như hiện nay.

Bài và ảnh: Xuân Cường – TTXVN

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu