Chủ Nhật, 05/01/2025 07:22 (GMT +7)

Khách quốc tế quan tâm chuyện bảo tồn Di sản văn hóa Mỹ Sơn

Thứ 3, 28/02/2017 | 17:23:00 [GMT +7] A  A

Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa nói chung, Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn (huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) nói riêng không chỉ là mối quan tâm của chính quyền và người dân, mà còn trở thành mối quan tâm chung của nhiều du khách quốc tế mỗi khi đến tham quan di sản.

Đến với Mỹ Sơn, chia sẻ băn khoăn của mình trước sự tác động khắc nghiệt của thời gian, không ít du khách có chung thông điệp “Mọi người đều phải có trách nhiệm bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử của di sản, không để di sản bị mai một, xuống cấp”.

Trầm ngâm trước vẻ đẹp huyền bí và thâm nghiêm của quần thể Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn, ông Narelly Stillone, du khách đến từ Australia chia sẻ: “Đây là di sản quý giá của nhân loại. Tôi cho rằng các bạn đã khai thác có hiệu quả các giá trị văn hóa, lịch sử của di sản để phục vụ cho việc phát triển kinh tế – xã hội. Tôi quan sát và nhận ra rằng, cộng đồng dân cư sinh sống trong khu vực quần thể di sản cũng đã được chia sẻ lợi ích từ những giá trị của di sản thông qua việc cung cấp các loại hình dịch vụ cho khách du lịch. Đây chính là những yếu tố cốt lõi để mọi người chung tay bảo tồn và giữ gìn di sản. Tôi mong tất cả mọi người cùng có tiếng nói chung trong việc bảo vệ và gìn giữ di sản quý giá này”.

Du khách quốc tế tham quan Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn.

Đồng hành và đồng quan điểm với ông Narelly Stillone, bà Marina Tejjek Melboume, du khách Australia nói “Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn là địa chỉ tuyệt vời để mọi người tìm đến tham quan, nghiên cứu. Các giá trị văn hóa, lịch sử ẩn sâu trong từng đường nét, từng chi tiết, từng khối công trình của quần thể Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn luôn là đề tài nghiên cứu mới mẻ và không kém phần thú vị với tất cả những ai muốn trải nghiệm với nền văn hóa cổ xưa nơi đây. Tôi sẽ cùng bạn bè trở lại đây nhiều lần nữa với thông điệp là mọi người hãy chung sức và đồng lòng để bảo vệ di sản này trước sự hư hại do điều kiện tự nhiên và thời gian gây ra”.

Thực tế cho thấy, trong những năm qua, Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn đã bắt đầu bộc lộ sự quá tải. Năm 2016, di sản này đón trên 300 ngàn lượt khách trong nước và quốc tế đến tham quan, nghiên cứu, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm trước. Sự gia tăng của lượng khách đến tham quan Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn cũng đã tạo ra nhiều áp lực trong việc bảo tồn vẹn nguyên các giá trị của di sản. Bởi vậy, không chỉ với ông Narelly Stillone hay với bà Marina Tejjek Melboume, trong số hàng vạn du khách quốc tế đến Mỹ Sơn mỗi năm, ngoài sự thán phục về trình độ kiến trúc, mỹ thuật; chiêm nghiệm và thẩm thấu các giá trị văn hóa tâm linh huyền bí của người Chămpa cổ xưa khi xây dựng nên Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn, phần lớn khách quốc tế đều mong muốn có sự đóng góp sức mình vào bảo tồn di sản cho đời sau theo cách của mình, dù chỉ bằng một hành động cụ thể, nhẹ nhàng, không khoa trương, thành tích.

Trong tour lữ hành Xuân Đinh Dậu mới đây, ông Sonya Welar, du khách Australia chia sẻ “Mỹ Sơn thực sự là một nơi rất đẹp ở Việt Nam mà không phải nơi nào cũng có được. Kiến trúc của quần thể di sản này mang đậm nét cổ kính. Ở Việt Nam mọi người rất quan tâm đến việc giữ gìn các giá trị văn hóa, lịch sử. Tuy nhiên Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn cũng như phố cổ Hội An và nhiều di sản khác đang hằng ngày phải đối mặt với sự xuống cấp bởi sự tác động của nhiều yếu tố khác nhau. Bởi vậy chung tay giữ gìn và bảo tồn di sản với những việc làm thật cụ thể trước mắt cũng như lâu dài là việc làm hết sức cần thiết mà mọi người cần phải góp sức trước khi quá muộn”.

Ông Sonya Welar đánh giá “Chỉ với việc nghiêm cấm các loại phương tiện có động cơ và khí thải đi vào vùng trung tâm của Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn và thay vào đó là đi bộ hoặc di chuyển bằng xe điện, các bạn đã đưa di sản trở về với môi trường thân thiện vốn có của nó. Tôi mong các bạn tiếp tục duy trì quy định có ý nghĩa này. Tôi cũng đã thấy nhiều người, nhất là các bạn trẻ, đã có ý thức tốt hơn trong từng hành động, lời nói mỗi khi đi vào vùng lõi – nơi chứa đựng các giá trị tâm linh huyền bí của quần thể di tích. Tôi cũng biết rằng, trong quá trình phục dựng, tôn tạo di tích, các bạn đã có nhiều cố gắng trong việc giữ gìn nguyên bản của từng chi tiết hạng mục. Đây là việc làm đặc biệt có ý nghĩa, cần được phát huy”.

Luôn lắng nghe đóng góp ý kiến của cộng đồng, của khách du lịch trong nước và quốc tế về Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên Nguyễn Công Dũng nhấn mạnh: Nhiều năm qua Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn đã nhận được không ít sự quan tâm cả về vật chất lẫn tinh thần, nhất là những đóng góp về việc sử dụng vật liệu, công nghệ cũng như giải pháp thi công để bảo tồn và tôn tạo quần thể di sản. Những ý kiến đóng góp chân thành của cộng đồng, của các nhà khoa học trong và ngoài nước đều được ghi nhận.

Điển hình như trong quá trình trùng tu tháp E7 trước đây, cũng như quá trình chống nghiêng lún cho nhóm tháp B3 và F1 hiện nay, nhiều ý kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia đến từ các nước Nga, Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia, Ba Lan về các giải pháp khoa học, vật liệu xây dựng, biện pháp thi công phù hợp với điều kiện tự nhiên và khí hậu nơi đây đều được lắng nghe và áp dụng một cách phù hợp nhằm góp phần đem lại hiệu quả bền vững lâu dài trong việc chống xuống cấp cho di sản. Bởi vậy thông điệp của khách quốc tế về bảo tồn Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn là điều hết sức đáng mừng, song đó cũng là trách nhiệm của tất cả chúng ta trong quá trình khai thác và bảo tồn di sản quý giá này.

Bài & ảnh: Đoàn Hữu Trung (TTXVN)

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu