Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Năm, 23/01/2025 02:06 (GMT +7)
Khai mạc Diễn đàn Thượng đỉnh kinh doanh GMS
Thứ 6, 30/03/2018 | 16:34:00 [GMT +7] A A
VOV.VN – Lần đầu tiên Việt Nam đưa sáng kiến tổ chức Diễn đàn Thượng đỉnh kinh doanh GMS để tăng cường đối thoại giữa doanh nghiệp và nhà nước.
Ngày 30/3 tại Hà Nội đã diễn ra phiên họp toàn thể Đối thoại chính sách của Diễn đàn Thượng đỉnh kinh doanh GMS diễn ra với sự tham dự của các nước thành viên GMS, đoàn Ngân hàng Phát triển châu Á, Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á, ASEAN; lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp các nước và Việt Nam; các đối tác phát triển, khách mời của Việt Nam…
Đây là lần đầu tiên Việt Nam đưa sáng kiến tổ chức Diễn đàn Thượng đỉnh kinh doanh GMS với mục tiêu tăng cường đối thoại giữa doanh nghiệp và nhà nước.
Phát biểu tại phiên họp, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh, trong 25 năm qua, thế giới đã chứng kiến nỗ lực cải cách thần kỳ, quá trình công nghiệp hóa mạnh mẽ gắn với xóa đói giảm nghèo và cả sự bùng nổ trong khu vực doanh nghiệp tư nhân tại Tiểu vùng sông Mekong mở rộng. Những thành tích này có sự đóng vai trò quan trọng của Hội đồng Tiểu vùng sông Mekong mở rộng. Trong đó vai trò chủ thể thuộc về Phòng thương mại và công nghiệp của các nước thành viên.
Tuy nhiên, theo ông Vũ Tiến Lộc, bất chấp chấp những lợi thế về vị trí địa lý, nguồn tài nguyên, nguồn nhân lực rẻ thì việc đổi mới của các nước Tiểu vùng sông Mekong mở rộng là cần thiết. Các nước thành viên, cần đổi mới về chất lượng thể chế và doanh nghiệp để vươn lên đẳng cấp quốc tế trở thành chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ông Vũ Tiến Lộc đề xuất:“Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đề xuất thành lập mạng lưới doanh nhân nữ và mạng lưới khởi nghiệp Tiểu vùng sông Mekong mở rộng. Tôi hy vong với những chương trình kết nối doanh nghiệp, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, mạng lưới của các cộng đồng doanh nghiệp sẽ nhân lên sức mạnh của Tiểu vùng sông Mekong mở rộng. Chúng tôi cũng đề nghị thành lập mạng lưới an ninh mạng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh các nền kinh tế Tiểu vùng sông Mekong mở rộng”.
Tại phiên khai mạc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam Nguyễn Chí Dũng thay mặt Chính phủ Việt Nam, ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực, cam kết, sự đóng góp của Hội đồng kinh doanh GMS, cũng như của các cá nhân trực tiếp tham gia điều hành, xây dựng và triển khai các chương trình hoạt động thời gian qua.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực có nhiều chuyển biến sâu sắc, Chương trình hợp tác GMS đóng vai trò vô cùng quan trọng và ngày càng có ý nghĩa đối với sự phát triển và thịnh vượng của mỗi quốc gia cũng như của toàn khu vực. Đúng như tầm nhìn hợp tác đã đề ra, đó là “thịnh vượng, hội nhập và hài hòa” trên cơ sở trụ cột “3 C” là Kết nối (Connectivity), Cạnh tranh (Competitiveness) và Cộng đồng (Community)”.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng bày tỏ hy vọng thông qua Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp GMS, các doanh nghiệp trong khối GMS sẽ cùng chia sẻ tầm nhìn phát triển và trao đổi những cơ hội kết nối trong tương lai.
“Và hơn hết, tôi mong chúng ta cùng đẩy mạnh hợp tác, hướng đến một mục tiêu phát triển chung cho toàn khu vực, thực hiện hiệu quả các Chương trình hành động, Hiệp định đã cam kết, tận dụng tốt nguồn đầu tư 66 tỷ USD tại hơn 220 dự án trên toàn khu vực, đưa nền tảng kinh tế – xã hội của 6 quốc gia GMS lên một tầm cao mới”, ông Nguyễn Chí Dũng nói.
Ông Oudet Souvannavong, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Lào, Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh GMS. |
Trong phát biểu tại phiên khai mạc, ông Oudet Souvannavong, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Lào, Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh GMS cho biết, các quốc gia thành viên của GMS đã dành được những thành tựu đáng kể trong thương mại, logistics và cơ sở hạ tầng với sự hỗ trợ của rất nhiều đối tác phát triển đặc biệt trong việc xây dựng nền tảng năng lực các doạnh nghiệp.
Ông Oudet Souvannavong cam kết: “Chúng tôi cũng sẽ cung cấp vốn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ để dảm bảo sự tham gia mạnh mẽ của họ trong GMS để họ có được sự chuẩn bị mạnh mẽ hơn và trở thành các doanh nghiệp thành công”.
Diễn đàn Thượng đỉnh Kinh doanh GMS là dịp để Lãnh đạo các nước GMS, Lãnh đạo các tổ chức quốc tế và khu vực, đại diện các đối tác phát triển, giới doanh nghiệp và học giả chia sẻ quan điểm về các vấn đề phát triển then chốt của khu vực GMS, cũng như thảo luận về biện pháp tăng cường hợp tác giữa các bên liên quan.
Sau phiên họp của Hội đồng kinh doanh GMS, các phiên họp về phát triển cơ sở hạ tầng, doanh nghiệp và công nghệ nông nghiệp, thương mại tiểu vùng GMS và toàn cầu sẽ được tiến hành vào buổi chiều./.
Ý kiến ()