Thứ Bảy, 18/01/2025 06:41 (GMT +7)

Khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh phụ nữ toàn cầu

Thứ 6, 10/06/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A  A

Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ toàn cầu lần 26 đã khai mạc vào đêm 9/6 giờ Việt Nam tại thủ đô Warszawa, Ba Lan với chủ đề “Phụ nữ xây dựng nền kinh tế toàn diện trong thời đại số”.

Đây là một diễn đàn lớn của phụ nữ được tổ chức hàng năm kể từ năm 1990, nhằm tăng cường nhận thức quốc tế về bình đẳng giới và thúc đẩy vai trò của phụ nữ trong mọi mặt của đời sống xã hội, đặc biệt trên lĩnh vực kinh tế.Tham dự hội nghị năm nay có 1.000 đại biểu đến từ nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế, bao gồm các chính trị gia, nữ doanh nhân và đại diện của các tổ chức phụ nữ trên toàn thế giới. Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự hội nghị.

 

Bà Irene Natividad, Chủ tịch Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ toàn cầu phát biểu tại Lễ khai mạc. Ảnh: Quang Hải/TTXVN

Sau diễn văn khai mạc của bà Irene Natividad, Chủ tịch Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ toàn cầu, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã có bài phát biểu quan trọng. Mở đầu bài phát biểu, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh khẳng định: “Phụ nữ luôn giữ vai trò quan trọng trong sự hình thành và phát triển của mỗi quốc gia. Ngày nay, phụ nữ càng khảng định vị thế trên mọi cương vị, song tỷ lệ phụ nữ nắm giữ các vị trí quản lý, lãnh đạo trên toàn cầu còn thấp, khoảng 24%; trong đó, trong ngành công nghệ thông tin, nữ chỉ chiếm 29,1% và khoảng 22% các vị trí lãnh đạo. Khoa học và công nghệ phát triển, nhất là thời đại công nghệ số đã thúc đẩy sự phát triển vượt bậc của nhân loại cũng như sự tiến bộ của phụ nữ”.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Quang Hải/TTXVN

Phó Chủ tịch nước nêu lên một thực tế: Kỹ nguyên kỹ thuật số tạo ra những cơ hội vàng cho mọi phụ nữ, đặc biệt là giảm đáng kể những rào cản đối với các nữ doanh nhân; đồng thời cũng tạo ra những thách thức không nhỏ đối với các quốc gia phát triển, đó là sự tụt hậu về phát triển kinh tế, lạc hậu về khoa học công nghệ, thiếu bền vững về môi trường, xã hội, đặc biệt với đội ngũ nữ doanh nhân. Để có thể phát triển, đủ sức cạnh tranh trong thời trong thời đại thương mại hóa toàn cầu, đòi hỏi một sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của phụ nữ ở các vai trò: người vợ, người mẹ, người chèo lái con thuyền doanh nghiệp.

Với Việt Nam, Phó Chủ tịch nước khẳng định: Những thành tựu đổi mới đã mang lại nhiều sự đổi thay cho bộ mặt của đất nước và với phụ nữ. Nhiều người giữ những vị trí, cương vị quan trọng trong bộ máy chính quyền các cấp, từ quốc hội, nhà nước, đến các bộ, ngành, các địa phương, các đại sứ nữ ở nước ngoài… Trong sản xuất kinh doanh, tỷ lệ lãnh đạo quản lý là nữ chiếm 30% số doanh nghiệp. Có thể nói, ở mọi lĩnh vực, phụ nữ Việt Nam đã và đang tham gia toàn diện vào sự phát triển kinh tế của đất nước. Song, cũng như nhiều quốc gia khác, phụ nữ Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập: tình trạng phụ nữ nghèo, bệnh tật, mắc các tệ nạn xã hội, nạn nhân của bạo lực, buôn bán người, phân biệt đối xử…tuy có giảm nhưng vẫn xảy ra. Tỷ lệ lao động nữ đã qua đào tạo và kỹ năng cao còn thấp; trình độ ngoại ngữ, tin học yếu; khả năng thích ứng với sự năng động của thị trường chậm nên sự tham gia của chị em vào các lĩnh vực kinh tế-xã hội ở một số lĩnh vực hiệu quả không cao.

Phó Chủ tịch nước cho biết: Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách và triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao vị thế của phụ nữ trong xã hội. Với sự nỗ lực ấy và sự quan tâm của nhà nước, phụ nữ Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục đóng góp tích cực vào sự phát triển một nền kinh tế toàn diện trong thời đại kỹ thuật số.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nhấn mạnh: Để nhìn nhận và hướng phát triển của phụ nữ trong điều kiện phát triển nền kinh tế toàn diện, thì dù ở bất cứ quốc gia nào, nhà nước cũng cần có chính sách khuyến khích phụ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý nhà nước, phát triển kinh tế, công tác xã hội. Đồng thời, nhà nước cần tạo điều kiện cho phụ nữ tiếp cận đầy đủ với giáo dục, đào tạo nghề, công nghệ thông tin, trang bị cho họ những kỹ năng quản lý, kỹ năng lãnh đạo, tư duy nghiên cứu khoa học…. Từ đó, phụ nữ mới có cơ hội để vươn lên trong nền kinh tế tri thức ngày càng cao hiện nay. Bên cạnh đó, phụ nữ cũng cần phải tự nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực quản lý, trình độ chuyên môn để thực hiện quản lý, điều hành tổ chức, doanh nghiệp có hiệu lực, hiệu quả…

Chiều cùng ngày, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã hội kiến Thủ tướng Ba Lan, bà Beata Szydlo.

Quang Hải (Đặc phái viên TTXVN từ Ba Lan)

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu