Sáng 25/5, tại Hà Nội đã khai mạc phiên họp thứ 48 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII.
Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết tại Phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến bước đầu về Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010-2015) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; về kết quả Báo cáo giám sát hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển khoa học, công nghệ nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, giai đoạn 2005-2015 và định hướng phát triển giai đoạn tới, trong đó chú trọng đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp cơ khí chế tạo.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục cho ý kiến về Dự thảo hai Nghị quyết về tiêu chuẩn và phân loại đơn vị hành chính; Nghị quyết quy định về phân loại đô thị; nghe Hội đồng bầu cử Quốc gia báo cáo sơ bộ kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.
Phát biểu thảo luận, các đại biểu cơ bản đồng tình với hai Báo cáo nêu trên của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng thời thảo luận, cho ý kiến về nhiều vấn đề cụ thể trong mỗi báo cáo.
Hiệu quả sau đầu tư và duy trì kết quả xây dựng nông thôn mới
Ngay sau khai mạc, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đã điều hành phiên họp, cho ý kiến về Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2015 gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh đây là một chuyên đề giám sát lớn và quan trọng. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến bước đầu tại Phiên họp thứ 48 và dự kiến cho ý kiến lần thứ hai vào tháng 9/2016 trước khi Quốc hội giám sát tối cao vào tháng 10/2016.
Đoàn giám sát đã nghe báo cáo của Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan và tổ chức giám sát tại sáu tỉnh, trong đó có việc ban hành cơ chế chính sách, việc thực hiện; những đề xuất, kiến nghị về chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được phê duyệt và triển khai rộng rãi trên toàn quốc đã đạt những kết quả quan trọng. Diện mạo nông thôn có nhiều thay đổi, nhất là hệ thống giao thông nông thôn, kết cấu hạ tầng xã hội; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện, nhận thức của người dân được thay đổi, phát huy vai trò chủ thể của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới.
Qua thảo luận, các ý kiến cơ bản nhất trí, tán thành Báo cáo giám sát; đồng thời tập trung phân tích, đánh giá, cho ý kiến về những vấn đề liên quan đến việc ban hành cơ chế, chính sách thực hiện chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu nông nghiệp; kết quả thực hiện các tiêu chí; sự tác động qua lại giữa quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; việc phân bổ nguồn lực cho thực hiện Chương trình; những vấn đề tồn tại trong nông nghiệp nông thôn.
Nhiều ý kiến nhấn mạnh cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho cán bộ, người dân về xây dựng nông thôn mới nhằm tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tầng lớp nhân dân.
Có ý kiến đề nghị cần quan tâm xây dựng nguồn nhân lực, trong đó có vấn đề đào tạo nguồn nhân lực cho nông thôn. Hiện lao động nông thôn chưa được đào tạo còn chiếm số đông, làm sao để nâng cao chất lượng đào tạo nghề, mức thường xuyên đến các bậc học cao hơn, nhất là tại vùng sâu, vùng xa, vùng nghèo, vấn đề đào tạo thường xuyên cho nghề cá.
Có đại biểu đặt vấn đề về sử dụng lao động sau khi đào tạo nghề; sự cần thiết phải hệ thống lại danh mục đào tạo nghề; Chính phủ quan tâm rà soát lại danh mục đào tạo nghề; cùng với đề án đào tạo nghề của Chính phủ, cần sự phối hợp giữa các bộ, ngành để tránh chồng chéo, lãng phí; vấn đề đưa lao động nông thôn đi lao động ở nước ngoài để tránh rủi ro.
Trong xây dựng nông thôn mới, vấn đề cần quan tâm là hiệu quả sau khi đầu tư, duy trì những kết quả đã đạt được ở những xã đã được công nhận nông thôn mới, do đó cần có đánh giá sâu hơn để chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt hiệu quả cuối cùng…
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đánh giá cao sự cố gắng của Đoàn giám sát và sự phối hợp chặt chẽ của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong thời gian ngắn đã có báo cáo bước đầu song khá toàn diện, đầy đủ và phản ánh trung thực việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng báo cáo giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Đoàn giám sát tiếp thu nghiêm túc ý kiến phát biểu của các đại biểu tại phiên họp, nhất là về sản xuất, quan hệ sản xuất; chính sách vùng đặc thù; phát triển nguồn nhân lực, huy động nguồn lực, tác động của chính sách liên quan đến xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn vừa qua. Đoàn giám sát bám sát kế hoạch, giám sát trực tiếp các bộ, ngành, địa phương; hiện đang tiến hành giám sát tại 6/28 địa phương trong kế hoạch giám sát.
Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu tiếp tục nghiên cứu xây dựng báo cáo giám sát chặt chẽ hơn, có những nhận định, đánh giá sâu sắc và có minh chứng kèm theo, làm rõ hiệu quả, kết quả đạt được, cũng như chỉ ra nguyên nhân yếu kém và trách nhiệm trong thực hiện chương trình, từ trách nhiệm của Quốc hội, Chính phủ đến các bộ, ngành, địa phương.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Đoàn giám sát chuẩn bị tốt dự thảo Nghị quyết, cũng như hoàn thiện Báo cáo để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét và cho ý kiến vào tháng Chín này, dự kiến trình Quốc hội khóa XIV tại kỳ họp thứ 2 vào tháng 10/2016 để Quốc hội tiến hành giám sát tối cao.
Phát triển khoa học-công nghệ thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước
Liên quan đến Báo cáo Giám sát hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển khoa học, công nghệ nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước giai đoạn 2005-2015 và định hướng phát triển giai đoạn tới, trong đó chú trọng đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo, Đoàn giám sát đã nghe báo cáo của Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan; tổ chức giám sát tại 6 tỉnh.
Các đại biểu tập trung thảo luận, làm rõ những vấn đề trong báo cáo để tiếp tục xây dựng nền tảng vững chắc sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, đặc biệt là để phát triển công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo. Từ nay đến năm 2020, khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo phải thực sự đóng vai trò là quốc sách, trở thành động lực tăng trưởng kinh tế, đưa đất nước ta dần thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.
Về đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo, có ý kiến cho rằng cần tập trung đánh giá sự liên kết doanh nghiệp vừa và nhỏ với các nhà sản xuất chính; cần chú ý những ngành sản xuất có thị trường đầu ra, nhấn mạnh vai trò quan trọng của thị trường trong nước; vấn đề quy hoạch phát triển trọng điểm một số ngành cơ khí.
Liên quan đến số công bố quốc tế từ các đề tài nghiên cứu, theo báo cáo giám sát, Toán học, Vật lý và Hóa học tiếp tục là những lĩnh vực có thế mạnh của Việt Nam, chiếm 40% tổng công bố quốc tế trong 5 năm qua. Riêng Toán học có số lượng công bố quốc tế đứng đầu khu vực Đông Nam Á.
Các đại biểu đã tập trung là rõ những vấn đề trong Báo cáo liên quan đến quan điểm phát triển khoa học-công nghệ nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong các văn bản của Đảng; cơ chế, chính sách phát triển khoa học-công nghệ trong Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; sự đóng góp của khoa học-công nghệ trong việc nâng cao năng suất lao động xã hội và chất lượng tăng trưởng; công tác nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khoa học-công nghệ; thị trường công nghệ…
Phát biểu kết luận về nội dung này, Phó Chủ tịch quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh được thực hiện trong thời gian ngắn, song Báo cáo giám sát đã cung cấp nhiều thông tin, được chuẩn bị công phu và có các đánh giá sát với thực tế.
Ủy Ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Đoàn giám sát tiếp thu ý kiến phát biểu của các đại biểu tại phiên họp, nhất là các nội dung liên quan đến xu hướng phát triển khoa học-công nghệ thời gian tới, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, nhất là khi Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, trong đó có Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP); những vấn đề mà khoa học-công nghệ chưa giải quyết được; làm rõ vai trò của công nghiệp cơ khí, công nghiệp phụ trợ, hướng tập trung, mô hình phát triển…; đồng thời tiếp tục bám sát vào kế hoạch giám sát đã đề ra, hoàn chỉnh lại báo cáo giám sát trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng Chín này.
Báo cáo giám sát cần làm rõ trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong quá trình cụ thể hóa đường lối, chính sách, pháp luật về phát triển khoa học-công nghệ; hoàn thiện thêm các kiến nghị, giải pháp, đề xuất các chính sách cụ thể để thúc đẩy phát triển khoa học-công nghệ cũng như công nghiệp phụ trợ và công nghiệp cơ khí chế tạo trong thời gian tới.
Phó Chủ tịch Quốc hội giao Đoàn giám sát xây dựng dự thảo Nghị quyết trên tinh thần ý kiến phát biểu tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ sớm ban hành Nghị quyết này, góp phần đẩy mạnh phát triển khoa học-công nghệ, thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Theo chương trình, chiều 25/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe báo cáo, cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết về tiêu chuẩn và phân loại đơn vị hành chính; Nghị quyết quy định về phân loại đô thị. Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nghe Hội đồng bầu cử Quốc gia báo cáo sơ bộ kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021./.
Ý kiến ()