Chủ Nhật, 22/12/2024 19:03 (GMT +7)

Khám phá “đường hầm điêu khắc” tại Đà Lạt

Thứ 6, 28/08/2015 | 00:00:00 [GMT +7] A  A
Từ “Ngôi nhà đất đỏ bazan”
Sinh năm 1972 tại Thanh Hóa, lớn lên ở Thành phố Hồ Chí Minh, Trịnh Bá Dũng sau khi tốt nghiệp đại học làm công chức Nhà nước, như bao thanh niên khác. Là người mê khám phá và làm giàu, anh xin thôi việc để làm những nghề yêu thích, như in lụa, sản xuất giày dép, buôn bán cơ khí, làm ghế mátxa (đầu tiên tại Việt Nam). Không thỏa mãn, anh tự bỏ tiền đi du học tại Đức (ngành Quản trị Kinh doanh) để thêm kiến thức làm giàu. Tranh thủ những kỳ nghỉ hè, anh chu du nhiều quốc gia để xem người ta kinh doanh thế nào. Sau khi về nước, anh trăn trở về “Đường hầm điêu khắc” thương hiệu Made in Vietnam.

Du khách khám phá đường hầm.

Năm 2007, anh lên Đà Lạt tìm hiểu thị trường và lập dự án đầu tư du lịch. Sau nhiều năm nghiên cứu công nghệ đất, năm 2010 anh khởi công xây dựng “Đường hầm điêu khắc” tại Đà Lạt. Anh tin một ngày không xa, Đà Lạt sẽ nổi tiếng hơn nếu có “Đường hầm điêu khắc” dài nhất thế giới. Do vậy, anh quyết tâm tạo ra sản phẩm khác biệt, độc đáo và ấn tượng. Ban đầu, anh xây dựng “Ngôi nhà bằng đất đỏ bazan” diện tích 90 m2, trên mái nhà đắp nổi bản đồ Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Nội thất như bàn ghế, bồn tắm, lò sưởi đều làm bằng đất đỏ, trộn bột đá, xi măng và phụ gia, không nung nhưng vẫn cứng như đá. Ngôi nhà này được xác lập Kỷ lục Việt Nam năm 2013, thu hút giới truyền thông và du khách thập phương.
Đến “Đường hầm điêu khắc”
Trịnh Bá Dũng lập Công ty Cổ phần Đà Lạt Star để tạo thêm vốn và nhân lực. Là Chủ tịch Hội đồng quản trị, anh quyết định dùng đất đỏ làm vật liệu chính để xây dựng “Đường hầm điêu khắc”. Anh khẳng định, đường hầm này sẽ dài nhất thế giới (1.200m x 8m x 8m) được cứng hóa như đá, tuổi thọ khoảng 100 năm. Đường hầm nằm trong Khu du lịch hồ Tuyền Lâm thơ mộng, giữa đại ngàn thông xanh, hoa lá tươi tốt 4 mùa, sẽ hấp dẫn du khách thập phương. “Đường hầm điêu khắc” ba đoạn, là câu chuyện dài kể về lịch sử Đà Lạt xưa và nay.

Anh Trịnh Bá Dũng bên ngôi nhà bằng đất đỏ bazan.

Đoạn một, kể về Đà Lạt từ thời hồng hoang đến năm 1893 (Yersin khám phá cao nguyên LangBiang). Đoạn này được chạm khắc những truyền thuyết về thiên nhiên hoang dã, núi-rừng, rồng-rắn, rùa-kiến, voi-hổ, thác-hồ, sông-suối, người bản địa xưa… Đoạn hai, là câu chuyện về lịch sử Đà Lạt hình thành và phát triển (1893 – 1975) với những kiến trúc độc đáo được khắc họa tinh xảo hai bên vách hầm. Đó là, các công trình Ga xe lửa, Dinh Bảo Đại, Trường Lycée Yersin, Viện Pasteur, Đại học Đà Lạt, Khách sạn Palace, Nha Địa dư, Nhà thờ Con Gà, Giáo hoàng học viện, Chùa Linh Sơn, Hồ Xuân Hương, Cầu Ông Đạo, Lò Nguyên tử, Chợ Đà Lạt, ôtô cổ… cùng hoa Phượng tím, Mai Anh đào, Mimosa khoe sắc trong đường hầm, tạo cảm giác thực và mơ, “Phố trong hầm, hầm trong phố” rất đặc trưng Đà Lạt. Đoạn ba, là câu chuyện kể về Đà Lạt từ ngày giải phóng (3/4/1975) đến nay (mở rộng 8,5 lần, Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch 2030 tầm nhìn 2050).
Với nhiều kiến trúc mới, như Sân bay Liên Khương, Đường cao tốc, Hồ Tuyền Lâm, Thung lũng Tình yêu, Thung lũng Vàng, cánh đồng Hoa bất tận… Điểm nhấn, gây ấn tượng mạnh nhất là Rồng đất, ngay cổng trước đường hầm, dài 1,2 km ẩn hiện hai bên vách hầm, vươn đầu phun ngọc, như bay lên trời. Rồng đất là thông điệp “Việt Nam là Rồng châu Á” đang lớn mạnh từng ngày. Tôi hỏi, bí quyết làm Đường hầm thế nào? Anh bảo, anh lập đội Cơ giới (máy xúc, máy đào) để đào hầm, san ủi mặt bằng cho nhanh. Bởi, mùa mưa Đà Lạt kéo dài sáu tháng, thi công rất khó khăn. Phân công các tổ chuyên môn thực hiện từng phần việc trong dự án. Tổ họa sĩ vẽ trên phần mềm 3D, tổ điêu khắc và tổ xây dựng thi công đường hầm theo thiết kế, tổ hậu cần lo cơm-áo-gạo-tiền (đã quản lý, chi tiêu hơn 100 tỷ đồng), còn anh là tổng đạo diễn. Thế mới biết, sức trẻ tài cao, quản trị doanh nghiệp không đơn giản chút nào.
Và “Kỷ lục thế giới”
Đến nay, dự án đã hoàn thành 2/3, anh cho mở cửa đón khách tham quan để “lấy ngắn nuôi dài”. Dự kiến, năm 2016 đường hầm hoàn thành, du khách sẽ được thưởng ngoạn “Đà Lạt xưa và nay” qua đường hầm bằng ngôn ngữ “Công nghiệp điêu khắc” vừa lãng mạn, vừa huyền bí.
TTXVN

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu