Tất cả chuyên mục

Hiện mặn đã bắt đầu tấn công nguồn nước phục vụ tưới tiêu và sinh hoạt của người dân, tỉnh Long An đang khẩn trương hoàn thiện các công trình cống, đập dọc tuyến Quốc lộ 62 để kịp thời ứng phó.
Hiện nhiều cống trên QL 62 cần phải sửa chữa mới đảm bảo ngăn được mặn
Cửa cống Rạch Gỗ vẫn còn làm bằng…gỗ
Dọc tuyến quốc lộ 62 hiện có khoảng 30 cống, kênh lớn nhỏ nằm trong vùng ảnh hưởng của hạn mặn thuộc địa bàn thành phố Tân An, huyện Thủ Thừa, Thạnh Hóa và Tân Thạnh. Tuy nhiên, bên cạnh nhiều cống đang hoạt động ổn định thì vẫn còn một số cống cần phải được khẩn trương duy tu, sửa chữa gấp như cống Cần Đốt, TP Tân An cửa cống đang hư hỏng; Cống Rạch Gỗ, Rạch Chùa, huyện Thạnh Hóa cửa cống bằng gỗ không đảm bảo ngăn mặn, trữ ngọt.
Một số kinh thông ra sông Vàm Cỏ Tây được đắp đập tạm để ngăn mặn
Ông Huỳnh Văn Nam, Phó Chi cục trưởng Chi cục phát triển nông thôn và thủy lợi tỉnh Long An cho biết: “Trên tuyến QL 62 hiện có hai cống là Rạch Chùa và Rạch Gỗ có cửa làm bằng gỗ, không đảm bảo ngăn được mặn vì rò rỉ và không chắc chắn. UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo cho ngành là đề xuất để sửa chữa gấp, cụ thể là thay cửa gỗ bằng cửa thép. Để đảm bảo ngăn ngặn vì đợt mặn này dự báo là sẽ bắt đầu diễn ra từ đây cho đến Tết”.
Vàm kinh Bún Bà Của
Rạch Cái Tôm
Để phục vụ công tác phòng, chống hạn mặn mùa khô 2020-2021 và những năm tiếp theo, Long An được Bộ NN&PTNT đầu tư 5 cống dọc theo quốc lộ 62, huyện Thạnh Hóa gồm cống Bà Hai Màng, cầu Ông Nhượng, cầu Bà Định, cầu Thủ Cồn và cầu La Khoa. Trong đó, có 2 cống đã hoàn thành, 3 cống còn lại đang chạy nước rút để kịp đóng cửa trước Tết nguyên đán. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục đề nghị Bộ đầu tư xây dựng thêm 4 cống gồm Bún Bà Của, Bến Kè, Trần Lệ Xuân và Cái Tôm. Khi hoàn thành, các cống đập này sẽ bảo vệ 62.000 hecta lúa, hoa màu và cây ăn quả vùng dự án Bắc Đông thuộc hai tỉnh Long An và Tiền Giang. Từ năm 2016 đến nay, các vị trí này đến mùa hạn mặn phải đóng đập tạm, sau đó tháo dỡ, tổng chi phí mỗi năm khoảng 4 tỷ đồng, nên cần được đầu tư kiên cố một lần để tiết kiệm chi phí.
Công trình thủy lợi con đang thi công dang dỡ
Tuy nhiên, trong khi chờ nguồn vốn đầu tư cống kiên cố từ Bộ nông nghiệp thì trước mắt huyện Thạnh Hóa đề nghị tỉnh gấp rút cho đắp đập tạm ngay trước Tết Nguyên đán – thời điểm dự báo mặn sẽ lên cao.
Một công trình đang hoàn thiện
Nói về những cửa cống nằm trên địa bàn huyện Thạnh Hóa, ông Nguyễn Văn Hiếu, chuyên viên phòng NN&PTNT huyện Thạnh Hóa nêu thực trạng:”Năm nay theo dự báo thì hạn mặn chắc chắn sẽ uy hiếp vùng sản xuất của huyện Thạnh Hóa. Hiện trên địa bàn có 4 kinh như Kinh Bến Kè, Bún Bà Của, Kinh 1, Cái Tôm chưa có cửa cống. Hiện huyện đang xin kinh phí của tỉnh để đắp các đập tạm để trước mắt là ngăn mặn ở mùa mặn năm nay”.
Tại huyện Tân Thạnh dự báo cũng sẽ có 8.000 hecta lúa và nhiều diện tích cây ăn trái tại một số vùng của xã Kiến Bình, Tân Bình, Tân Hòa, Nhơn Hòa và thị trấn Tân Thạnh có khả năng ảnh hưởng hạn mặn mùa khô năm 2020-2021. Vì vậy, một số kênh mở tại địa bàn huyện cũng rất có thể phải đắp đập tạm nếu mặn xâm nhập sâu.
Kinh Cà Nhíp
Cũng trong tình trạng tương tự như Thạnh Hóa, ông Mai Văn On, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tân Thạnh cũng lo lắng về những con kinh lớn trên địa bàn phải vừa đảm bảo sản xuất vừa phục vụ giao thông:”Chúng tôi đang sẵn sàng dù hiện mặn chưa lên tới. Như các phương án đã chuẩn bị sẵn,tức là tùy theo tình hình măng sẽ lần lượt đắp các đập tạm ở Kinh Cái Tôm, Kinh 12 và kinh Cà Nhíp.Còn nếu cần thiết khi nắng gay gắt hơn, măn xâm nhập sâu hơn thì sẽ đắp thêm cả Kinh Phụng Thớt và Kinh Bằng lăng”
Rất nhiều tuyến kinh vừa phục vụ giao thông nhưng cũng vừa làm nhiệm vụ tưới tiêu
Dự báo nguồn nước mùa kiệt 2020-2021 về đồng bằng thấp, khả năng hạn mặn lịch sử đã được dự báo từ sớm. Việc giảm xả thủy điện Trung Quốc với thời gian kéo dài 20 ngày, từ ngày 5/1 – 24/1/2021 sẽ làm ảnh hưởng đến nguồn nước và mặn lên cao nhất đúng dịp Tết Cổ truyền – Xuân Tân Sửu, tức từ ngày 8/2 – 16/2/2021, độ mặn 4g/l có thể xâm nhập vào sâu trên dòng chính trên sông Vàm Cỏ từ 75-90km. Vì vậy, tất cả các công trình cống, đập trên tuyến Quốc lộ 62 phải khẩn trương hoàn thiện ngay trước Tết để kịp thời ứng, phó hạn, mặn bảo vệ sản xuất và sinh hoạt của người dân./.
Duy Huệ – Võ Huy
Ý kiến ()