Thứ Sáu, 07/02/2025 05:04 (GMT +7)

Khi nguồn vốn chưa đáp ứng nhu cầu người dân

Thứ 7, 16/06/2018 | 14:49:00 [GMT +7] A  A

Những năm qua Chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường của Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) đã giúp nhiều hộ gia đình trên địa bàn tỉnh đầu tư nâng cấp, xây dựng mới các công trình nước sạch, vệ sinh, qua đó góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, đối tượng, định mức cũng như nguồn vốn cho vay còn nhiều khó khăn, hạn chế nên chưa thể đáp ứng hết nhu cầu bức thiết của người dân.

Trước đây bà Bùi Thị Hiểu xã Nhị Thành huyện Thủ Thừa sử dụng nước của tổ hợp. Theo bà, 1 giếng nước nhỏ mà đến cả trăm hộ dùng chung, hệ thống lọc không đạt chuẩn nên nước vừa yếu vừa không hợp vệ sinh vì vậy bà phải xây hồ chứa, tận dụng thêm nước mưa để nấu ăn. Đến đầu năm 2017 cũng nhờ tiếp cận được nguồn vốn từ ngân hàng chính sách, bà Hiểu mới có điều kiện kéo nước máy đạt chuẩn của Bộ y tế về sử dụng. Từ đây, nỗi lo thiếu nước sạch sinh hoạt mỗi mùa khô đã không còn.

Bà Bùi Thị Hiểu – xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An cho biết: “Thông qua NHCSXH mình vay củng cố nhà tắm cho sạch sẽ, vô nước sạch để mình đảm bảo sức khỏe cho gia đình. Nhà nước cho 5 năm thì mình trả góp, lãi suất cũng thấp”

Từ năm 2007 đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 200.000 lượt người vay vốn ngân hàng chính sách với tổng số tiền trên 1.450 tỷ để xây dựng hơn 300.000 công trình nước sạch và nhà vệ sinh góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và xây dựng nông thôn mới.

Chia sẻ về vấn đề này, Ông Hồ Văn Hiếu – chủ tịch UBND xã Hiệp Hòa, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An khẳng định: “Nguồn vốn vay này phục vụ người dân rất có hiệu quả, giúp cho xã Hiệp Hòa thực hiện đạt tiêu chí số 17 trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới”

Hiện nay, xã Hiệp Hòa đã được phân bổ nguồn vốn vay 1,4 tỷ từ ngân hàng chính sách huyện Đức Hòa, nguồn vốn này sẽ giúp địa phương hoàn thành tiêu chí nước sạch và vệ sinh môi trường để về đích nông thôn mới đúng lộ trình vào cuối năm 2018 này. Hiệu quả thiết thực là vậy, song chương trình tín dụng này vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế, đặc biệt là về đối tượng cho vay, người dân nông thôn thì được còn ở phường, thị trấn thì không. Cũng chính quy định này mà thị trấn Hiệp Hòa, huyện Đức Hòa mặc dù được công nhận là đô thị loại 5 từ năm 2017 nhưng đến nay vẫn còn nợ tiêu chí nước sạch và vệ sinh môi trường. Nơi đây vẫn còn trên 100 hộ dân có nhu cầu vay vốn ngân hàng chính sách nhưng không được xét duyệt, nhất là các hộ dân thuộc khu vực 1, tất cả sinh hoạt trước nay đều phải dựa hoàn toàn vào nước kênh, mương. Trong khi nguồn nước này càng ngày càng ô nhiễm.

Chị Lê Thị Cẩm Vân – Khu vực 1, thị trấn Hiệp Hòa, huyện Đức Hòa tỉnh Long An cùng hàng trăm bà con trong khu vực, tiếng là ở thị trấn, thế nhưng ngày ngày lại phải sử dụng nguồn nước từ con kênh trước nhà từ mấy chục năm nay. Chị cho biết “Tụi em xách lên để xài nước sông không, không thể nào khỏe mạnh được tại ô nhiễm nhiều cái. Bà con em bây giờ cũng mong muốn có vay vốn càng sớm càng tốt để khoang giếng, máy mô tưa, bình lọc nước để gia đình xài”

Không có nguồn vốn từ ngân hàng chính sách nên nhiều huyện như Đức Hòa, Thạnh Hóa, Thủ Thừa,…. phải tự cân đối bằng kinh phí của địa phương nhưng ngặt nổi tiền đã “rót” về các phường, thị trấn nhưng không thể giải ngân vì phải còn chờ quy định mới. Riêng nguồn kinh phí này, hiện toàn tỉnh đang còn hơn 4 tỷ chưa thể giải ngân. Ông Đặng Hoàng Ân – phó chủ tịch UBND thị trấn Thủ Thừa, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An “đầu năm 2018, UBND huyện có chuyển từ ngân sách qua NHCS 1 tỷ cho vay 83 hộ có nhu cầu cấp thiết đề nghị các ngành các cấp quan tâm sớm giải ngân 1 tỷ để giúp 83 hộ thụ hưởng” Không chỉ bất cập về đối tượng cho vay và “vướng” về cơ chế, quy định mà mức cho vay tối đa 12 triệu đồng đối với mỗi hộ dân cũng còn quá thấp. Chính những hạn chế này mà mong mỏi chính đáng và bức thiết của người dân về những công trình nước sạch và vệ sinh môi trường chưa thể thực hiện./.

Duy Huệ – Võ Huy

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu