Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Ba, 21/01/2025 17:57 (GMT +7)
Khởi động hỗ trợ doanh nghiệp triển khai nền kinh tế tuần hoàn
Thứ 3, 23/01/2018 | 16:48:00 [GMT +7] A A
VOV.VN -Xây dựng nền kinh tế tuần hoàn sẽ giải quyết các vấn đề về môi trường cũng như giúp Việt Nam có GDP đạt 4,5 nghìn tỷ USD đến năm 2030.
Sáng 23/1, “Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp triển khai nền kinh tế tuần hoàn” đã chính thức được khởi động bằng Lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác triển khai sáng kiến “Không xả thải vào thiên nhiên” giữa Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam và Công ty TNHH Quốc tế Unilever.
Những năm qua, nền kinh tế thế giới đang chứng kiến sự dịch chuyển từ nền kinh tế truyền thống sang nền kinh tế tuần hoàn, nơi chất thải-thay vì bị vứt bỏ, lãng phí và gây ô nhiễm môi trường, sẽ được “hồi sinh” dưới dạng các nguồn lực khác nhau và một lần nữa tham gia vào quá trình sản xuất và sử dụng.
Theo đó, xây dựng nền kinh tế tuần hoàn sẽ giúp giảm rủi ro về khan hiếm các nguồn lực trong tương lai, giải quyết các vấn đề về môi trường cũng như mở ra cơ hội cho Việt Nam có GDP đạt trị giá 4,5 nghìn tỷ USD đến năm 2030.
Ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững Việt Nam cho biết, sáng kiến “Không Xả thải vào thiên nhiên” hướng đến 4 mục tiêu, đó là: giải quyết các vấn đề phát sinh từ chất thải nhựa; xây dựng lộ trình để hình thành và thúc đẩy các mô hình kinh doanh bền vững; phát triển chuỗi giá trị theo định hướng kinh tế tuần hoàn cũng như kiến nghị chính sách để tạo điều kiện cho việc triển khai nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.
Tại Lễ ký kết, bà Nguyễn Thị Bích Vân, Chủ tịch Unilever Việt Nam cam kết, 100% rác thải bao bì nhựa từ các sản phẩm của Unilever sẽ được thu gom, tái chế, tái sử dụng cho đến năm 2025. Mô hình phân loại tại nguồn, thu gom, tái chế rác thải, bao bì nhựa đã được xây dựng và triển khai tại TPHCM, thời gian tới mô hình này sẽ được nhận rộng trên toàn quốc.
Ông Sanket Ray, Tổng Giám đốc Coca-Cola Việt Nam chia sẻ, mục tiêu đến năm 2030 là hỗ trợ thu gom và tái chế tất cả các chai nhựa từ các sản phẩm đã bán ra thị trường. Thông qua việc ký kết hợp tác, ông mong muốn bắt tay với các đối tác trong việc tiên phong xây dựng chương trình hợp tác công tư nhằm thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, cùng nhau giải quyết các vấn đề về môi trường và tạo ra cơ hội tăng trưởng kinh tế trong tương lai./.
Chung Thủy/VOV.VN
Ý kiến ()