Thứ Tư, 08/01/2025 23:19 (GMT +7)

Không còn hiện tượng cướp lộc tại Hội Gióng đền Sóc Sơn

Thứ 5, 22/02/2018 | 09:35:00 [GMT +7] A  A

Ngày 21/2 (tức mùng 6 tháng Giêng năm Mậu Tuất), đã diễn ra Lễ khai Hội Gióng đền Sóc Sơn (Hà Nội) với sự thay đổi quan trọng là không còn tục cướp lộc tại Lễ hội.

Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Vương Văn Bút đánh trống khai hội đền Sóc xuân Mậu Tuất 2018. Ảnh: Quang Quyết/TTXVN

Cướp lộc là một tục trong nghi thức tất lễ (tán lộc sau khi lễ xong). Khi thôn Vệ Linh hoàn thành lễ Thánh giò hoa tre và thôn Đan Tảo hoàn thành lễ Thánh giò trầu cau tại đền Thượng, lễ phẩm sẽ được rước xuống đền Hạ (giò hoa tre) và xuống đền Mẫu (giò trầu cau) lễ tạ. Hàng ngàn người sẽ xô vào cướp lộc sau tiếng hô “tất lộc” của chủ lễ, gây ra sự tranh cướp phản cảm, thậm chí nhiều năm xảy ra hiện tượng đánh nhau gây thương tích.

Sau những phản ứng của dư luận và sự vào cuộc của các cơ quan quản lý văn hóa, năm nay, Ban Tổ chức Lễ hội Gióng đã thay đổi hình thức tất lễ. Giò hoa tre và giò trầu cau sau khi lễ Thánh ở đền Thượng được đưa thẳng vào trong đền để tháo ra đưa vào hậu cung. Lộc sẽ được khóa lại bảo vệ cẩn thận tránh trường hợp người đi lễ tràn vào trong để lấy lộc. Khách có nhu cầu xin lộc sẽ liên hệ với Ban Tổ chức để được phát lộc. Trước đó, Ban Tổ chức lễ hội Gióng đã nhiều lần họp bàn với cơ quan quản lý văn hóa và cộng đồng nhân dân trong vùng để thống nhất phương án tất lộc, không để xảy ra hiện tượng tranh cướp phản cảm, ảnh hưởng tới nét văn hóa truyền thống vốn rất đẹp của Hội Gióng và được mọi người ủng hộ cao.

Giò hoa tre và giò trầu cau năm nay được làm nhỏ hơn các năm khác để đưa vào được trong đền. Tuy nhiên do cửa đền không rộng, việc đưa vào tương đối khó khăn. Khi hoàn tất việc tiến cung hai giò lộc này, lễ phẩm của các thôn khác sau khi lễ Thánh xong vẫn tiến hành lễ tạ tại đền Hạ như bình thường. Vì vậy, lễ hội năm nay diễn ra yên bình, không còn hiện tượng tranh giành cướp lộc phản cảm.

Là người tham gia các nghi lễ của lễ hội, bà Nguyễn Thị Toan, xã Xuân Thu, huyện Sóc Sơn chia sẻ, trước kia người đi lễ hội có thể được mang lộc về khi tham gia cướp lộc nhưng việc cướp lộc dễ tạo sự xô đẩy, tranh giành nhau, thậm chí nhiều kẻ xấu lợi dụng để trộm cắp, bản thân bà cũng từng bị mất trộm. Vì vậy, bà Toan hoàn toàn ủng hộ khi Ban Tổ chức lễ hội thay đổi hình thức tất lễ, không để cướp lộc như trước.

Lễ khai hội đền Sóc xuân Mậu Tuất 2018. Ảnh: Quang Quyết/TTXVN

Trước những ý kiến băn khoăn việc thay đổi hình thức tất lộc và không còn nghi thức cướp lộc có ảnh hưởng đến các giá trị truyền thống của lễ hội, ông Lê Hữu Mạnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn, Trưởng Ban Tổ chức lễ hội khẳng định, những nghi lễ về tâm linh vẫn được đảm bảo, không thay đổi. Khi lễ vật rước lên đền Thượng làm lễ, tại đền Hạ và đền Mẫu, nghi thức lễ tạ cũng được thực hiện đồng thời. Việc thay đổi nghi thức tất lễ, tranh lộc để phù hợp hơn với điều kiện hiện nay, đặc biệt là tránh các hành vi bạo lực, phản cảm trong lễ hội.

Lễ hội Gióng đền Sóc Sơn tiếp tục diễn ra đến hết ngày 23/2 (tức mùng 8 tháng Giêng) với nhiều nghi lễ và các hoạt động văn hóa dân gian.

Đinh Thuận (TTXVN)

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu