Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Hai, 20/01/2025 15:26 (GMT +7)
Kịch bản nào đối phó việc Trung Quốc ngừng nhập khẩu hàng hóa Việt Nam?
Thứ 5, 07/11/2019 | 15:49:00 [GMT +7] A A
VOV.VN – Trước việc Trung Quốc đơn phương ngừng nhập khẩu một số hàng hóa của Việt Nam, ĐBQH chất vấn Bộ Công thương đã có kịch bản nào để đối phó?
Sáng 7/11, tiếp tục tham gia chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) cho biết, 8 tháng năm nay, nhập siêu từ Trung Quốc tăng đột biến lên mức 45,7% so với cùng kỳ năm ngoái xin Bộ trưởng cho biết, nguyên nhân là do tăng nhập hay giảm xuất là chính.
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang).
“Bộ trưởng có nhắc đến các giải pháp để tăng cường xuất khẩu từ phía Việt Nam. Tuy nhiên, Bộ Công Thương đã có kịch bản nào để đối phó với việc phía Trung Quốc đơn phương đột ngột ngừng nhập khẩu một số hàng hoá của ta mà chủ yếu là nông thuỷ sản, những sản phẩm không thể bảo quản lâu được. Trong khi đó, hàng hoá của Trung Quốc vẫn cứ ùn ùn đổ vào Việt Nam, dòng vốn đầu tư trực tiếp của Trung Quốc tăng cao nhất từ trước đến nay trong một thời gian rất ngắn” – đại biểu Nguyễn Lân Hiếu chất vấn.
Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, trong năm 2019, tăng trưởng thương mại của xuất khẩu đạt 8,4%, riêng đối với Trung Quốc thì sụt giảm, trong đó ngành nông sản và thuỷ sản giảm 6% so với năm 2018. Bộ trưởng cho rằng, nguyên nhân khách quan là do phía Trung Quốc đang siết chặt lại quy định kiểm soát nhập khẩu.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh.
“Những quy định này liên quan đến truy xuất nguồn gốc, kiểm soát thực vật, động vật, các vấn đề về tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, kỹ thuật canh tác… Việc này phù phù hợp với thông lệ quốc tế và các nước hợp tác với Trung Quốc cũng đều áp dụng” – Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết.
Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ – Trung dẫn đến tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc giảm, nhập khẩu của Trung Quốc giảm 4%. Vì vậy, rất nhiều ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc sụt giảm.
“Không chỉ nông sản, thuỷ sản, mà còn một số các sản phẩm của ngành tơ sợi, dệt may có xuất khẩu rất lớn, quy mô hơn 1 tỷ USD cũng bị giảm vì dệt may của Trung Quốc cũng không xuất khẩu được. Hay mặt hàng điện thoại, các nhà đầu tư nước ngoài đóng cửa cơ sở sản xuất tại Trung Quốc nên dẫn đến các linh kiện, thiết bị của các cơ sở điện tử và nhất là điện thoại thông minh của Samsung cũng không xuất khẩu sang Trung Quốc, như vậy đã mất hơn 1 tỷ đôla trong 9 tháng đầu năm” – Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nêu rõ.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng cho rằng, thời gian qua, Việt Nam đã có sự lúng túng, bỡ ngỡ trong quy mô sản xuất, mô hình tổ chức sản xuất dẫn đến không chủ động trong sản xuất và xuất khẩu đi Trung Quốc. Vì vậy, thời gian tới, phải tổ chức sản xuất lại trong nông nghiệp, đảm bảo yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, chất lượng, kỹ thuật canh tác cũng như những yêu cầu hàng rào kỹ thuật./.
Theo Thy Hạt/VOV.VN
Ý kiến ()