Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Hai, 20/01/2025 00:56 (GMT +7)
Kiên Giang đầu tư 19 tỷ đồng phát triển công nghiệp hỗ trợ
Thứ 5, 28/09/2017 | 14:42:00 [GMT +7] A A
Từ nay đến năm 2020, tỉnh Kiên Giang tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ phục vụ hoạt động sản xuất của các ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh và cung ứng cho thị trường trong nước.
Dự kiến tổng kinh phí thực hiện kế hoạch này hơn 19 tỷ đồng từ ngân sách địa phương và các nguồn vốn khác.
Bà Lê Thị Minh Phụng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết, phát triển công nghiệp hỗ trợ là nhằm kết nối, hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn tỉnh trở thành nhà cung cấp sản phẩm cho các đơn vị sản xuất công nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Cùng với đó, đẩy mạnh xúc tiến thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ; mở rộng thị trường trong và ngoài nước cho các ngành công nghiệp hỗ trợ. Các hoạt động sẽ bao gồm: khảo sát, đánh giá nhu cầu, xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kiểm soát chất lượng cho sản phẩm; tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật, tổ chức xúc tiến thu hút đầu tư, tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm, đăng ký thương hiệu sản phẩm; tìm kiếm, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm; tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.
Tỉnh Kiên Giang cũng sẽ hỗ trợ cho các doanh nghiệp áp dụng hệ thống về quản lý chất lượng sản phẩm, quản trị doanh nghiệp, quản trị sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ phù hợp với yêu cầu quốc tế, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường. Cụ thể, đánh giá khả năng và nhu cầu áp dụng các tiêu chuẩn, hệ thống quản lý trong sản xuất; tổ chức đào tạo cho các doanh nghiệp; tư vấn hỗ trợ kỹ thuật để doanh nghiệp áp dụng các tiêu chuẩn, hệ thống quản lý chất lượng trong sản xuất.
Bên cạnh đó, tỉnh hỗ trợ các doanh nghiệp đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của các ngành sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Tăng cường liên kết giữa các trường đại học, viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo và doanh nghiệp. Đánh giá nhu cầu nhân lực của doanh nghiệp; đào tạo cán bộ quản lý, công nhân kỹ thuật về chính sách, quản lý, công nghệ, thương mại về công nghiệp hỗ trợ.
Ngoài ra, các doanh nghiệp triển khai dự án nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ trong sản xuất linh kiện, phụ tùng, nguyên liệu và vật liệu trong sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cũng sẽ được tạo điều kiện thuận lợi.
Tỉnh sẽ giới thiệu, phổ biến một số quy trình công nghệ sản xuất và yêu cầu kỹ thuật về sản phẩm; hỗ trợ về nghiên cứu ứng dụng, sản xuất thử nghiệm, đổi mới công nghệ, chuyển giao công nghệ; hỗ trợ doanh nghiệp mua bản quyền, sáng chế, phần mềm, thuê chuyên gia nước ngoài và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Tỉnh cũng hỗ trợ doanh nghiệp cập nhật thông tin về công nghiệp hỗ trợ như mua thông tin dữ liệu cần thiết trong và ngoài nước, cung cấp thông tin cung cầu về thị trường sản phẩm và chính sách về công nghiệp hỗ trợ…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lê Thị Minh Phụng, cho biết, tỉnh phát triển các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực linh kiện phụ tùng kim loại, nhựa, cao su và linh kiện phụ tùng điện, điện tử; nguyên vật liệu, phụ liệu phục vụ ngành dệt may, da giày; công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp công nghệ cao sản xuất các sản phẩm công nghiệp đạt chuẩn cung ứng cho thị trường trong nước và tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu.
Theo Sở Công Thương tỉnh Kiên Giang, các ngành công nghiệp hỗ trợ sẽ được tập trung đầu tư phát triển bao gồm cơ khí chế tạo, sản xuất bao bì, sản xuất linh kiện điện tử, gỗ MDF, da giày. Đối với cơ khí chế tạo chủ yếu là sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ phục vụ cho công nghiệp đóng, sửa chữa tàu, thuyền, sản xuất vật liệu xây dựng, nông nghiệp, thương mại. Tuy nhiên, các sản phẩm sản xuất còn thủ công nhiều, hàm lượng công nghệ chưa cao.
Tiếp đến, ngành sản xuất bao bì đang tiến trình phát triển, phục vụ cho các ngành công nghiệp chính là thế mạnh của tỉnh như: công nghiệp chế biến nông, thủy sản, sản xuất vật liệu xây dựng. Những sản phẩm này gồm: Bao bì PP, PE, PVC, HDPE, bao xi măng… Ngoài ra, còn một lượng khá lớn bao bì phục vụ cho một số ngành công nghiệp khác, nhất là ngành du lịch như chai, lọ chứa nước mắm; túi, hộp đựng các sản phẩm thủ công truyền thống.
Ngành sản xuất gỗ MDF đã thu hút dự án công suất 75.000 m³/năm. Nhà máy hoạt động theo công nghệ ép liên tục từ nguyên liệu gỗ tràm nước. Sản phẩm chính là ván MDF, HDF, LDF, HMR đáp ứng nhu cầu đa dạng của ngành công nghiệp chế biến gỗ trong và ngoài nước.
Ngành da giày đã thu hút 1 dự án sản xuất công suất hơn 6,4 triệu đôi/năm, chuyên sản xuất giày thể thao xuất khẩu sang Hoa Kỳ, EU. Dự án này hiện đang tiếp tục mở rộng quy mô, nâng công suất của các ngành phụ trợ như sản xuất đế, phom, khuôn, in, ép…
Mặc dù vậy, sự phát triển công nghiệp hỗ trợ cho các ngành công nghiệp trọng yếu của tỉnh Kiên Giang còn nhỏ lẻ, chưa định hình rõ nét. Số lượng cơ sở công nghiệp hỗ trợ chiếm tỷ trọng thấp trong tổng số cơ sở sản xuất công nghiệp của toàn tỉnh. Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ chủ yếu là các cơ sở có quy mô vừa và nhỏ, năng lực vốn, công nghệ và phạm vi thị trường còn nhiều hạn chế, gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình phát triển; giá trị gia tăng của các ngành công nghiệp hỗ trợ còn thấp…
Theo bà Lê Thị Minh Phụng, nguyên nhân là do quá trình phát triển công nghiệp hỗ trợ của cả nước nói chung và tỉnh Kiên Giang nói riêng còn gặp nhiều rào cản về công nghệ, chi phí, thị trường kết nối giữa bên cung cấp và bên có nhu cầu, chính sách hỗ trợ, chất lượng nguồn nhân lực, quy hoạch và cơ sở hạ tầng kỹ thuật.
Năng lực cung cấp của ngành công nghiệp hỗ trợ trong tỉnh còn rất hạn chế, chưa liên kết được với các doanh nghiệp trong và ngoài nước để cung cấp nguyên liệu, linh kiện phụ tùng. Nguồn vốn đầu tư chưa tập trung hướng vào các ngành công nghiệp hỗ trợ, nhất là về công nghệ để tạo ra hiệu ứng lan tỏa thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ của tỉnh phát triển. Các sản phẩm công nghiệp chính của Kiên Giang hầu hết sử dụng nguyên vật liệu, linh kiện, phụ tùng nhập khẩu hoặc mua từ các doanh nghiệp khác trong nước.
Ý kiến ()