Thứ Sáu, 10/01/2025 03:58 (GMT +7)

Kiều hối “chảy” mạnh về nước

Thứ 4, 23/12/2015 | 00:00:00 [GMT +7] A  A

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (World Bank), Việt Nam được đánh giá là nước xếp thứ 11 trong số các nước nhận kiều hối nhiều nhất trong năm 2015. Dự kiến năm nay, lượng kiều hối về Việt Nam khoảng 12,5 tỷ USD.

Nhiều thuận lợi để kiều hối tăng trưởngCàng về cuối năm, các ngân hàng (NH) càng đua nhau đưa ra các chương trình khuyến mãi, dịch vụ hấp dẫn để “lôi kéo” dòng kiều hối chảy về NH của mình. Thậm chí, để đón dòng kiều hối khi hội nhập, một số NH đang mở rộng địa bàn hoạt động sang các nước ASEAN thông qua hình thức mở chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc NH 100% vốn. Đơn cử, NH TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) kết nối với Tổ chức Prabhu Group Inc. cung cấp dịch vụ chuyển tiền từ Mỹ, Canada, Australia, các nước ASEAN và Trung Đông về Việt Nam. Eximbank còn hợp tác với Kookmin Bank và Woori Bank triển khai dịch vụ chuyển tiền cho người lao động Việt Nam tại Hàn Quốc. Những dịch vụ này giúp cho các NH có nhiều nguồn khách hàng khác nhau và dễ dàng, nhanh chóng khi nhận và chuyển tiền kiều hối.

Kiều hối chuyển về nước qua kênh ngân hàng.

Theo đánh giá của TS Bùi Quang Tín, ĐH Ngân hàng TP Hồ Chí Minh, lượng kiều hối về Việt Nam ngày càng tăng là do chênh lệch giữa lãi suất USD và lãi suất VND khá tốt và tỷ giá USD/VND được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều hành ổn định nhiều năm qua. Điều này đã giúp thu hút các nguồn USD chuyển về nước và chuyển sang VND để hưởng lãi suất tiền gửi cao hơn. Bên cạnh đó, chính sách của NHNN ngày càng tạo điều kiện thuận lợi cho các nguồn kiều hối chuyển về Việt Nam.

Cụ thể, các NH trong nước tăng cường phối hợp với các tổ chức tài chính quốc tế, tăng cường hợp tác toàn diện với công ty chuyển tiền quốc tế; tích cực, chủ động hợp tác song phương với các NH ở các quốc gia có đông đảo người Việt Nam sinh sống và làm việc để phát triển đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ NH nhằm khai thác tối đa lợi ích của kiều hối với tiền gửi tiết kiệm và kiều hối với cho vay xuất khẩu lao động. Riêng đối với lao động Việt Nam xuất khẩu, các NH thiết kế cẩm nang hướng dẫn cũng như mở các lớp đào tạo nhằm trang bị cho người lao động những kiến thức cần thiết trước khi đi nước ngoài, trong đó có hoạt động chuyển thu nhập về Việt Nam… Nhờ vậy, dịch vụ chi trả kiều hối của các NHTM hoạt động khá hiệu quả, khuyến khích người Việt Nam chuyển tiền về nước.

Hơn 70% kiều hối chảy vào sản xuất

Theo NHNN, dự kiến năm nay lượng kiều hối về Việt Nam khoảng 12,5 tỷ USD. Riêng tại TP Hồ Chí Minh, lượng kiều hối chuyển về nước thông qua các NH thương mại và tổ chức kinh tế 10 tháng qua ước đạt khoảng 3,7 tỷ USD, dự báo cả năm 2015 sẽ đạt trên 5 tỷ USD. Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP Hồ Chí Minh, cho biết lượng kiều hối về Việt Nam năm 2015 chủ yếu tập trung từ các thị trường châu Mỹ, châu Âu, châu Á (các nước ASEAN, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản). Trong đó, lượng kiều hối từ thị trường châu Á tăng mạnh nhất. Đáng chú ý, tỷ lệ kiều hối chảy vào sản xuất kinh doanh chiếm hơn 70% trong tổng kiều hối chuyển về Việt Nam, 20% kiều hối chuyển vào bất động sản (BĐS) và phần còn lại là hỗ trợ người thân trong việc chữa bệnh, đi du lịch, gửi tiết kiệm NH…

Tuy nhiên, với sự hồi phục của thị trường BĐS, lượng kiều hối đang có sự chuyển dịch dần qua lĩnh vực này. TS Bùi Quang Tín cho rằng, không chỉ diễn ra gần đây mà sắp tới lượng kiều hối chuyển dịch qua BĐS sẽ tăng mạnh. Bởi từ khi Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh BĐS 2014 có hiệu lực từ ngày 1/7/2015, những quy định cho người nước ngoài, Việt kiều mua nhà được thông thoáng hơn. Do đó, khi Việt Nam hội nhập AEC và TPP, chắc chắn lượng kiều hối sẽ được đổ mạnh vào BĐS.

Thực tế hiện nay, tín dụng cho BĐS đang có xu hướng tăng cao. Thống kê của NHNN tính tới tháng 9/2015, tín dụng vào BĐS tăng khoảng 13%. Và theo dự báo, nhiều khả năng tới cuối năm 2015, tín dụng trong lĩnh vực này có thể lên tới 18 – 20%. Trong đó, các giao dịch đang tập trung chủ yếu ở phân khúc cao cấp và mặt bằng giá có xu hướng tăng gây lo ngại về sự phát triển bền vững của thị trường. Theo TS Tín, một khi tăng trưởng tín dụng có dấu hiệu nóng, vượt xa tốc độ tăng trưởng GDP danh nghĩa có thể dẫn tới nguy cơ bùng nổ lạm phát và “bong bóng” tài sản trong giai đoạn sau. Do đó, cần thận trọng với sự tăng trưởng của thị trường BĐS và ngăn ngừa sự hình thành “bong bóng” BĐS có tính chu kỳ. TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng, cũng cho rằng tín dụng BĐS là một “cái bẫy” hấp dẫn. Vì thế, nếu các NH tập trung quá nhiều vào BĐS, thì tới lúc thị trường đảo chiều chính NH sẽ phải gánh chịu hậu quả rất lớn.

Bài và ảnh: Hải Yên – TTXVN

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu