Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Hai, 20/01/2025 00:51 (GMT +7)
Kinh tế miền Trung: Cần xóa bỏ rào cản cát cứ địa phương
Thứ 3, 26/09/2017 | 17:41:00 [GMT +7] A A
VOV.VN – Một số tồn tại làm kìm hãm sự phát triển đó là sự thiếu liên kết vùng, tình trạng cát cứ địa phương và “mạnh ai nấy làm”…
3 năm qua, kể từ Diễn đàn kinh tế miền Trung lần đầu tiên diễn ra vào năm 2014 tại TP Đà Nẵng, kinh tế khu vực miền Trung có tốc độ tăng trưởng khá nhưng vẫn chưa phát huy tiềm năng lợi thế.
Tại Diễn đàn kinh tế miền Trung lần thứ 2 tổ chức ngày 25/9 tại TP Đà Nẵng, các chuyên gia kinh tế, nhà nghiên cứu, nhà khoa học tiếp tục nêu ra những tồn tại làm kìm hãm sự phát triển vùng, đó là sự thiếu liên kết vùng, tình trạng cát cứ địa phương, phát triển theo kiểu “mạnh ai nấy làm”.
10 tỉnh Duyên hải miền Trung trải dài từ Quảng Trị đến Bình Thuận được xem là “cửa ngõ” của quốc gia, tiềm năng kinh tế biển phần lớn nằm ở dải đất này. Thế nhưng, kinh tế của cả vùng lại đang phát triển manh mún, địa phương nào cũng muốn xây dựng cảng biển, sân bay, khu kinh tế để thu hút đầu tư, dự án… Nhiều địa phương ký cam kết liên kết phát triển nhưng chỉ để trên giấy còn thực tế vẫn chưa hóa giải được hết những xung đột lợi ích cục bộ.
TS. Trần Đình Thiên, Viện Trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, cần phải có không chỉ là cơ chế lợi ích mà còn cơ chế điều phối, phải có quyền lực kiểu như có sự can thiệp qui hoạch từ cấp Trung ương, điều hành từ Trung ương.
“Tổ tư vấn vùng kiến nghị lên Ban Điều phối không được, không điều hành được các tỉnh mới chuyển lên Trung ương. Trung ương ra một chỉ lệnh, Nghị quyết buộc phải theo, nếu đúng như thế thì sự hỗ trợ từ Trung ương, nguồn lực cung cấp từ Trung ương đảm bảo lợi ích vùng được thực thi”, TS. Trần Đình Thiên lưu ý.
Đồng quan điểm này, TS. Trần Du Lịch, Trưởng nhóm Tư vấn Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung cho rằng, để thúc đẩy kinh tế miền Trung phát triển, lãnh đạo các tỉnh, thành phố trong khu vực phải rà soát quy hoạch chiến lược hệ thống hạ tầng, tránh chồng chéo, không xung đột lợi ích, nhất là không dàn trải đầu tư kém hiệu quả, phân tán nguồn lực như hiện nay.
TS. Trần Du Lịch đơn cử, cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) có năng lực vận chuyển 6 triệu tấn hàng/năm. Cách cảng biển Tiên Sa chưa đầy 10 cây số, tỉnh Thừa Thiên – Huế cũng xây dựng cảng biển nước sâu Chân Mây. Tỉnh Quảng Nam có cảng Tam Hiệp và cảng Kỳ Hà, còn Quảng Ngãi thì có cảng Dung Quất. Cả miền Trung có đến 13 cảng biển. Việc quy hoạch cảng biển trùng lắp dẫn đến năng lực vận chuyển yếu kém.
“7 cảng quốc tế trong 1 dải miền Trung sẽ không thể nào phát triển được, không có hàng để cảng hoạt động. Đi đến các cảng không thấy hàng chỉ thấy dăm gỗ là rõ ràng không thể phát triển được”, TS. Trần Du Lịch cảnh báo.
Trong khi đó, PGS.TS. Ngyễn Chu Hồi, Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, miền Trung cần biến bất lợi thành lợi thế. Miền Trung có dải đất cát ven biển rất dài, độc đáo trên thế giới.
Lâu nay, các địa phương xem đây là cái bất lợi, khó khăn do cát bay cát nhảy, cát lấp, nhưng trong bối cảnh biến đổi khí hậu thì dải cát ven biển được xem là bức tường thành tự nhiên ngăn gió bão, nước biển dâng… Vì vậy, cần phải thay đổi tư duy để chuyển yếu thế thành lợi ích. Chính nét tương đồng này của miền Trung mà cần phải tăng cường liên kết.
“Kết nối vùng là một trong giải pháp chiến lược, trong đó vai trò giao thông rất quan trọng. Tuyến đường sát ven biển không sát quá, gần hơn tuyến đường số 1 hiện nay và kết nối 3 tuyến đường số 1 đường dọc lại với nhau. Lãnh thổ dọc nhưng phát triển theo chiều ngang mới thông suốt, tạo ra hệ mở, hệ giao lưu, hệ kết nối”, PGS.TS. Ngyễn Chu Hồi giải thích.
Giải quyết xung đột lợi ích giữa các tỉnh miền Trung, phá bỏ rào cản tồn tại lâu nay là yêu cầu cấp thiết đã được đặt ra. Cùng với đó, cần xây dựng một mô hình quản lý nhà nước cấp vùng, tăng cường cơ chế tham vấn giữa các địa phương để xóa bỏ thực trạng “cạnh tranh cùng xuống đáy” mà các chuyên gia kinh tế đã khuyến cáo.
Có như vậy, miền Trung mới đủ sức đồng hành cùng đoàn tàu kinh tế của cả nước./.
Ý kiến ()