Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Tư, 22/01/2025 18:44 (GMT +7)
Ký kết CPTPP: Cơ hội hợp tác giữa Canada và Việt Nam
Thứ 6, 09/03/2018 | 17:23:00 [GMT +7] A A
Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được ký kết tại Chile rạng sáng 9/3 (theo giờ Việt Nam) đã chính thức mở đường cho việc hình thành một khu vực thương mại tự do có nhiều tiềm năng và triển vọng hợp tác giữa 11 nước thành viên.
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh (thứ nhất, phải, hàng sau) cùng đại diện 10 nước tham gia lễ ký Hiệp định CPTPP chụp ảnh chung tại Santiago ngày 8/3. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Canada, ông Stewart Beck – Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc điều hành (CEO) Quỹ châu Á – Thái Bình Dương Canada – cho rằng thoả thuận này sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác giữa Canada với Việt Nam, một nền kinh tế đang phát triển rất năng động và có nhiều dư địa thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực.
Theo nhà nghiên cứu kỳ cựu về khu vực châu Á – Thái Bình Dương, CPTPP có ý nghĩa thực sự quan trọng đối với Canada, vì sẽ cho phép nước này tiếp cận tự do với thị trường Nhật Bản và các thị trường tiềm năng khác như Việt Nam, Singapore…
Đây đều là những thị trường quan trọng mà Canada chưa có thoả thuận thương mại tự do. Mặc dù nếu so sánh tương quan lợi ích trong việc tham gia CPTPP, Việt Nam sẽ có nhiều lợi thế và thu được nhiều lợi ích hơn Canada nhưng ở góc độ khác, thoả thuận này cũng sẽ mang lại những lợi thế nhất định cho Canada tại thị trường Việt Nam và thông qua Việt Nam để tiến vào thị trường của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Cũng theo ông Beck, khi Canada khởi động tuyên truyền về CPTPP ở trong nước, người dân và doanh nghiệp của nước này bắt đầu hiểu ra rằng họ cần phải nhìn vào Việt Nam như một thị trường tiềm năng với gần 100 triệu dân, cơ cấu dân số trẻ và nhiều người được giáo dục rất tốt. Trước đó, không nhiều người Canada biết rõ những điều này.
Vì thế, ông Stewart Beck tin tưởng rằng một khi CPTPP được giới thiệu chi tiết và đầy đủ với cộng đồng doanh nghiệp, họ sẽ nhận thức và dần bị thu hút bởi những cơ hội mà thị trường Việt Nam có thể đem lại. Chủ tịch APF Canada bày tỏ hy vọng sau khoảng 2-3 năm đi vào thực thi, CPTPP sẽ giúp thúc đẩy hợp tác song phương nhiều hơn trong những lĩnh vực quan trọng đối với cả hai nước.
Là người không ít lần tới Việt Nam để thúc đẩy thực thi Sáng kiến Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và kinh doanh (WISE) trong khuôn khổ hợp tác giữa Tổng lãnh sự quán Canada tại Việt Nam và APF Canada, ông Stewart Beck cũng hiểu khá rõ những lĩnh vực sẽ có tiềm năng thúc đẩy hợp tác giữa hai nước sau khi CPTPP chính thức có hiệu lực.
Ông chia sẻ: “Tôi tin là Việt Nam sẽ có thể tăng cường xuất khẩu hải sản và nhiều mặt hàng khác sang Canada. Ngoài ra, công nghệ cũng sẽ là một lĩnh vực tiềm năng do ngày càng có vai trò quan trọng trong hoạt động kinh doanh, dù là thương mại điện tử hay công nghệ tài chính”. Bên cạnh đó, ông cũng đánh giá cao lĩnh vực dịch vụ về triển vọng hợp tác vì đây là một trong những thế mạnh của cả hai nước và mang tính hỗ trợ nhau rất tốt.
Tất nhiên, việc CPTPP có hiệu lực sẽ tác động nhất định đến Chiến lược châu Á của Chính phủ Canada. Chính vì thế, trong báo cáo ngân sách liên bang vừa công bố đầu tháng này, Chính phủ của Thủ tướng Justin Trudeau đã dành một khoản ngân quỹ nhất định cho việc thúc đẩy kinh doanh ở khu vực châu Á và bổ nhiệm thêm các cao ủy thương mại.
Số tiền này, theo ông Beck, nhiều hơn mức chi hàng năm và một phần trong số đó sẽ được dùng để quảng bá CPTPP với cộng đồng doanh nghiệp Canada. Phía Canada hy vọng với việc CPTPP chính thức ra đời, cùng với việc ở Canada đang có cộng đồng người Việt rất lớn, số lượng học sinh Việt Nam sang Canada du học ngày càng tăng qua các năm, hai bên có thể nhanh chóng mở ra các cơ hội hợp tác bắt nguồn từ những “cầu nối” về văn hoá và giáo dục.
Ý kiến ()