Thứ Năm, 01/05/2025 21:53 (GMT +7)

Kỳ vọng về sự hồi sinh của cây đay

Thứ 4, 11/11/2020 | 19:30:00 [GMT +7] A  A

Cây đay từng là cây mũi nhọn kinh tế ở vùng Đồng Tháp Mười. Thế nhưng, từ năm 2004, cây đay mất dần chỗ đứng do bế tắc đầu ra. Năm 2007, khi dự án nhà máy bột giấy Phương Nam ra đời mở ra hướng đi mới cho ngành đay với vùng nguyên liệu lên đến 15.000hecta. Tiếc rằng, ngay sau đó, sự đóng cửa của nhà máy cũng đặt dấu chấm hết cho cây đay. Tuy nhiên, vẫn còn có những người đang âm thầm níu giữ ngành đay truyền thống của địa phương với nhiều kỳ vọng.

Xưởng kéo sợi đay công ty sản xuất sợi đay tại huyện Tân Thạnh

Tiếc nuối về một thời hưng thịnh đã qua, bà Nguyễn Thị Son cùng chồng là ông Du Văn Tài quyết định thành lập công ty sản xuất sợi đay tại huyện Tân Thạnh với mong muốn níu giữ ngành đay truyền thống. Đây cũng là nhà máy đay duy nhất trên địa bàn tỉnh Long An hiện nay.

Tài chính hạn chế nên lúc đầu công ty của ông bà chỉ có 5 máy kéo sợi, nhưng nay đã tăng lên 20 máy. Ông bà gắn bó với ngành đay bằng tình yêu dành cho cây đay, chứ không có tham vọng làm giàu nhưng hiệu quả sản xuất của công ty là minh chứng cho hướng đi đúng trong việc duy trì ngành đay.

Mỗi năm, công ty sử dụng khoảng 400 tấn đay nguyên liệu

Mặc dù quy mô nhỏ, mỗi năm, công ty sử dụng khoảng 400 tấn đay nguyên liệu, với diện tích hợp đồng bao tiêu sản xuất trong dân chỉ 20 hecta nhưng đó là sự nỗ lực rất đáng trân trọng của ông bà. Hiện nay, khi mọi người dần nâng cao nhận thức về môi trường, sợi đay tự nhiên thân thiện với môi trường đang dần được ưu chuộng trở lại, nhem nhóm trong ông bà niềm tin, kỳ vọng về sự hồi sinh của cây đay trong tương lai gần./.

Duy Huệ – Võ Huy

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu