Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Tư, 22/01/2025 06:59 (GMT +7)
Lãi lớn năm 2017, ngân hàng sẽ giảm lãi suất cho vay năm 2018?
Thứ 4, 31/01/2018 | 14:57:00 [GMT +7] A A
VOV.VN – Năm 2017 hàng chục ngân hàng công bố lãi hàng nghìn tỷ đồng lợi nhuận, nhiều người kỳ vọng lãi suất trong năm 2018 sẽ giảm mạnh.
Với lợi nhuận ngân hàng tăng gấp nhiều lần so với năm trước, nhiều người kỳ vọng, lãi suất cho vay trong năm nay sẽ giảm, giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí.
Theo phân tích của chuyên gia tài chính-ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, hoạt động kinh doanh tốt trong năm 2017 có thể tác động tích cực đến lãi suất trong năm 2018 nhưng không hẳn các ngân hàng sẽ “hy sinh” bớt lợi nhuận để giảm lãi suất trong năm 2018. Bởi mỗi năm các ngân hàng sẽ hạch toán riêng, bước sang năm nay họ sẽ phải bắt đầu một năm tài khóa mới với kế hoạch mới.
Đầu năm 2018, ngay sau khi Thủ tướng yêu cầu các ngân hàng giảm lãi suất cho vay, một số ngân hàng như Vietcombank, Vietinbank, Agribank, VPBank đã đồng loạt giảm lãi suất cho vay thêm khoảng 0,5% đối với các lĩnh vực ưu tiên. Cùng với đó, các ngân hàng lớn trong khối ngân hàng thương mại cũng đồng loạt giảm lãi suất cho vay với mức 0,5% ở các lĩnh vực ưu tiên, đưa mặt bằng lãi suất cho vay của lĩnh vực này xuống mức tối đa 6%/năm đối với khoản vay ngắn hạn và 7,5%/năm nếu vay trung và dài hạn.
Việc một số ngân hàng thương mại giảm lãi suất là tín hiệu đáng mừng, song giới chuyên gia tài chính đánh giá, việc giảm lãi suất cho vay trong năm nay vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố khó khăn, trong đó rào cản lớn nhất là chưa thể giảm lãi suất huy động để hỗ trợ giảm lãi suất cho vay. Hơn nữa, việc giảm lãi suất mới chỉ thực hiện ở các lĩnh vực ưu tiên của một số ngân hàng và được thực hiện cục bộ theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước chứ không hẳn là dấu hiệu giảm mặt bằng lãi suất.
Một số ý kiến khác thì cho rằng, giảm lãi suất huy động hiện nay sẽ gây nhiều khó khăn cho các tổ chức tín dụng bởi ngành ngân hàng đang phải bảo vệ thanh khoản cho hệ thống. Nếu lãi suất huy động không còn hấp dẫn thì sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh với các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản… Ngoài ra, xử lý nợ xấu cũng là một trong những rào cản lớn cho việc hạ lãi suất trong khi tỉ lệ thu nhập lãi cận biên của các ngân hàng vẫn ở mức khiêm tốn so với các nước trong khu vực./.
Chung Thủy/VOV.VN
Ý kiến ()