Chủ Nhật, 12/01/2025 21:01 (GMT +7)

Lãi suất huy động USD về 0% sẽ ‘chảy máu’ ngoại tệ?

Thứ 4, 13/04/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A  A
lai suat huy dong usd ve 0% se ‘chay mau’ ngoai te? hinh 0

Tiền gửi ra nước ngoài tăng đột biến lên 7,3 tỷ USD

Phân tích cụ thể về nhận định này, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR, dẫn số liệu thống kê đến Quý 3/2015 cho thấy cán thanh toán đã có những diễn biến bất thường sau sự kiện Trung Quốc phá giá đồng CNY trong tháng 8. Cán cân tổng thể chuyển từ trạng thái cân bằng sang thâm hụt lớn 6,6 tỷ USD trong Quý 3/2015, chủ yếu do cán cân tài chính đổi chiều.

Đáng lưu ý, theo TS. Thành, hai cấu phần quan trọng nhất của cán cân tài chính là dòng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài không có sự biến động đáng kể. Tuy nhiên, một nhân tố mới xuất hiện là dòng vốn đầu tư khác mà cấu phần chủ yếu là tiền gửi ở nước ngoài, vốn không đáng kể ở những giai đoạn trước, gia tăng đột biến lên mức 7,3 tỷ USD. Đây là diễn biến bất thường cần phải tiếp tục theo dõi xu hướng, giải thích và dự báo xu hướng chặt chẽ.

Cũng cần lưu ý là trong cùng giai đoạn trên, trạng thái ngoại hối của hệ thống ngân hàng thương mại không có sự biến động quá lớn. Theo giả thuyết của VEPR, diễn biến bất thường này, một phần, có thể xem như tình trạng “bẫy thanh khoản” với ngoại tệ của hệ thống ngân hàng.

Lãi suất huy động và cho vay USD vốn ở mức thấp, cộng với kỳ vọng tỷ giá USD/VND tăng lên sau sự kiện Trung Quốc phá giá, khiến thị trường không tìm được mức lãi suất cho vay ngoại tệ cân bằng. Hệ quả là, “NHTM không tìm được đầu ra cho dòng vốn tiết kiệm ngoại tệ nên gửi tiền không kỳ hạn/kỳ hạn ngắn ở ngân hàng nước ngoài là giải pháp sinh lợi tối ưu nhất”- TS. Thành nhấn mạnh.

Cần thị trường mua – bán USD hiệu quả

Nếu giải thuyết mà VEPR đưa ra là đúng, dòng tiền gửi ở nước ngoài có thể tiếp tục gia tăng trong các giai đoạn sau do chính sách hạ lãi suất huy động USD về 0%/năm (Quyết định ngày 25/9/2015 của Thống đốc NHNN) và hạn chế đối tượng vay vốn ngoại tệ. Việc đưa lãi suất huy động USD về 0%/năm đã triệt tiêu động lực tiết kiệm ngoại tệ có kỳ hạn, do đó phần lớn các khoản tiền gửi ngoại tệ sẽ ở dưới dạng không kỳ hạn. Các NHTM sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc cân đối thanh khoản ngoại tệ và cung ứng các khoản vay ngoại tệ cho doanh nghiệp, và do đó tiếp tục lựa chọn giải pháp gửi tiền ở nước ngoài.

TS. Nguyễn Đức Thành cho rằng, chống đô la hóa là một chủ trương đúng của NHNN, tuy nhiên các giải pháp đồng bộ tạo niềm tin vào tiền đồng cần được triển khai. Chỉ khi đó, nền kinh tế mới sử dụng được nguồn vốn ngoại tệ khối lượng lớn đang gửi ở nước ngoài.

Bởi nhìn thực tế thị trường tài chính, tiền tệ nước ta hiện nay, TS. Thành đánh giá: chiến lược chống đô la hóa mặc dù đang từng bước loại USD khỏi hệ thống lưu thông và tín dụng, vẫn cần phải có chính sách thích hợp để lưu chuyển dòng USD tích trữ trong nền kinh tế, thông qua một thị trường mua-bán ngoại tệ hữu hiệu, quy mô lớn.

Viện trưởng VEPR đặc biệt lưu ý: “Việc đưa lãi suất huy động USD về 0%/năm, không đi liền với việc thiết lập thị trường mua bán USD hiệu quả, đang dẫn tới nguy cơ mất cân đối trên thị trường ngoại tệ. Một khối lượng lớn tài sản ngoại tệ của dân cư được gửi ra nước ngoài với mức lãi suất thấp, trong khi một số tổ chức tín dụng trong nước phải huy động vốn từ nước ngoài với lãi suất cao”.

Bình luận về chủ trương chống đô la hóa, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, chính sách chống đô la hóa ở nước ta đã có thành công nhất định. Điểm chính trong việc chống USD hóa là tiền VNĐ ổn định. Muốn chống đô la hóa, tất cả các quan hệ vay, mượn phải chuyển sang quan hệ mua – bán. Ông Hiếu cũng lưu ý, “thị trường ngoại hối gần đây được đánh giá là tương đối ổn định, nhưng cần cẩn trọng. So với cuối năm ngoái, tỷ giá USD/VNĐ xuống thấp vài trăm đồng/USD. Đó đã là tín hiệu tốt, nhưng không thể chủ quan”./.

Xuân Thân/VOV.VN

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu