Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Chủ Nhật, 12/01/2025 11:02 (GMT +7)
Lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi, người ăn thịt bị kháng thuốc
Thứ 2, 14/01/2019 | 16:11:00 [GMT +7] A A
Tình trạng người dân tùy tiện mua thuốc kháng sinh y tế để sử dụng cho động vật nuôi là một trong số các nguyên nhân làm gia tăng tình trạng kháng thuốc kháng sinh.
Bộ Y tế tổ chức Hội nghị đánh giá 5 năm thực hiện “kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống kháng thuốc 2013 – 2020.
Đó là ý kiến của lãnh đạo Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tại Hội nghị đánh giá 5 năm thực hiện “kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống kháng thuốc 2013 – 2020” do Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế tổ chức ngày 14/1, tại Hà Nội.
Theo đó, hiện nay việc lạm dụng kháng sinh cho người để sử dụng trong vật nuôi, nuôi trồng thủy hải sản đang rất phổ biến khi người dân cho rằng sử dụng kháng sinh y tế chữa bệnh cho động vật nuôi sẽ hiệu quả hơn. Đặc biệt, người dân dễ dàng ra hiệu thuốc hỏi mua, thậm chí tự ý phối hợp các loại kháng sinh một cách dễ dàng. Điều này làm tình trạng dư lượng kháng sinh trong thực phẩm từ động vật nuôi, thủy hải sản gia tăng, là một nguyên nhân gây ra tình trạng kháng thuốc kháng sinh ở người khi sử dụng nguồn thực phẩm này.
Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết: Vấn đề kháng thuốc kháng sinh đang là một vấn đề nhức nhối trên thế giới. Ứớc tính số người tử vọng do kháng kháng sinh có thể lên tới 10 triệu người vào năm 2050. Nguyên nhân của tình trạng là do việc kê đơn, cấp phát kháng sinh không hợp lí; sử dụng kháng sinh không theo kê đơn; xử lý chất thải chưa thích hợp và đặc biệt là sử dụng kháng sinh quá mức cần thiết hoặc không đúng cách trong chăn nuôi và nuôi trông thủy sản. Từ đó dẫn đến kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở y tế và nông trại còn yếu kém, khó kiểm soát vi khuẩn kháng thuốc.
Trong 5 năm thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống kháng thuốc 2013 – 2020 đã dần nâng cao được nhận thức cộng đồng về kháng thuốc; tăng cường hệ thống giám sát quốc gia về sử dụng kháng sinh; bảo đảm cung ứng các thuốc có chất lượng đáp ứng nhu cầu sức khỏe; sử dụng thuốc hợp lí; kiểm soát nhiễm khuẩn và sử dụng kháng sinh an toàn trong trồng trọt và chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản. Tuy nhiên, việc thay đổi thói quen sử dụng kháng sinh của người dân chưa thể dễ dàng thay đổi trong “một sớm, một chiều”, năng lực của hệ thống xét nghiệm vi sinh, giám sát tình trạng kháng kháng sinh vẫn còn nhiều hạn chế…
Cũng theo ông Lương Ngọc Khuê, để hạn chế tình trạng kháng thuốc đang ngày càng gia tăng, trong thời gian tới, Bộ Y tế tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện chương trình quản lý sử dụng kháng sinh tại các bệnh viện để giảm tỉ lệ sử dụng kháng sinh không hợp lý; đồng thời, tiếp tục tuyên truyền để người dân hiểu về kháng thuốc, xây dựng các mô hình truyền thông về kháng thuốc tại các tỉnh, kết hợp với việc nâng cao năng lực cho các phòng xét nghiệm, giám sát tình trạng dùng kháng sinh.
Ý kiến ()