Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Tư, 22/01/2025 18:04 (GMT +7)
Lâm, thủy sản ‘cứu cánh’ cho tốc độ tăng trưởng nông nghiệp
Thứ 6, 28/06/2019 | 14:53:00 [GMT +7] A A
Sáu tháng đầu năm 2019, ngành Nông nghiệp đã phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nổi bật là bệnh dịch tả lợn châu Phi bùng phát, tình hình xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long, giá cả nông sản bấp bênh… Vì vậy, theo nhận định của “tư lệnh ngành”, lâm nghiệp và thủy sản sẽ là hai khu vực “cứu cánh” cho tốc độ tăng trưởng nông nghiệp.
Mức tăng trưởng 2,39% đã ghi nhận sự cố gắng cao của toàn ngành Nông nghiệp
Ngành Nông nghiệp đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn như tình hình xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long, tình hình nắng nóng, hạn hán xảy ra kỷ lục tại Bắc Bộ và Trung Bộ, thị trường nhiều mặt hàng nông sản không ổn định, có xu hướng giảm giá mạnh, nhất là đối với một số mặt hàng nông sản chủ lực xuất khẩu…
Đặc biệt, bệnh dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp và đã bùng phát ở 60 tỉnh thành trên cả nước đã kéo tụt nhiều chỉ tiêu tăng trưởng của ngành Nông nghiệp trong nửa đầu năm 2019.
Theo Bộ NN&PTNT, tốc độ tăng giá trị sản xuất toàn ngành 6 tháng đầu năm nay ước đạt 2,71% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, nông nghiệp (bao gồm trồng trọt, chăn nuôi) tăng khoảng 1,44%, lâm nghiệp tăng khoảng 4,20% và thủy sản tăng khoảng 6,47%.
Về sản xuất lúa, ước năng suất lúa bình quân trên diện tích thu hoạch đạt 65,4 tạ/ha, giảm 0,6 tạ/ha; sản lượng ước đạt 22,2 triệu tấn, tăng 659 nghìn tấn. Trong đó, vụ Đông Xuân ở phía Bắc đã thu hoạch được hơn 1,112 nghìn ha, năng suất ước đạt 63,8 tạ/ha; sản lượng ước đạt 7,09 triệu tấn, giảm gần 140 nghìn tấn.
Với cây ăn quả, do thị trường tiêu thụ tốt, nên hầu hết sản lượng các cây ăn quả chủ lực đều tăng: Bưởi tăng hơn 14,11%; thanh long tăng hơn 11%; chôm chôm tăng gần 13%…
Bệnh dịch tả lợn châu Phi đã gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi. Về tình hình bệnh dịch bệnh này, ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y cho biết, tính đến ngày 26/6, dịch đã xuất hiện ở 60/63 tỉnh, thành phố với tổng số lợn bị bệnh buộc phải tiêu hủy khoảng 2 triệu con. Tổng số lợn tháng 6/2019 ước giảm hơn 10% so với cùng thời điểm năm 2018, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng ước đạt 1.801,2 nghìn tấn, giảm 4,7% so với cùng kỳ năm 2018…
Để đảm bảo đủ nguồn cung thịt trong thời gian tới và lâu dài, ông Nguyễn Xuân Dương, quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho rằng, cần tái cơ cấu lại ngành chăn nuôi, gia tăng số lượng gia cầm, gia súc ăn cỏ. Về phương án tái đàn, sẽ không vội tái đàn ở những cơ sở đã phát sinh dịch bệnh mà chưa qua 30 ngày, chỉ mở rộng quy mô đàn ở những vùng chưa có dịch.
Tuy nhiên, chăn nuôi đại gia súc như trâu, bò và gia cầm tiếp tục tăng trưởng khá. Theo thống kê tính chung cả nước, đàn bò tăng khoảng 2,6%, sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng ước đạt 192,5 nghìn tấn, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2018 do có thị trường tiêu thụ tốt, giá bán thịt bò hơi ở mức cao và người chăn nuôi có lãi. Đàn gia cầm phát triển tốt với mức tăng khoảng 7,5%, sản lượng thịt gia cầm hơi tăng 8,6%; sản lượng trứng tăng 11,4%…
Với thủy sản, tổng sản lượng thủy sản ước đạt hơn 3,77 triệu tấn, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động khai thác thủy sản tiếp tục phát triển sản lượng ước đạt 1,85 triệu tấn, tăng 5,2%. Nuôi trồng thủy sản phát triển tốt đối với tất cả các đối tượng nuôi chủ lực, sản lượng ước đạt 1,91 triệu tấn, tăng 6,8%.
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, 6 tháng đầu năm nay, tốc độ tăng trưởng khu vực nông nghiệp không cao như năm ngoái. Đây là điều tất yếu bởi năm nay, nông nghiệp Việt Nam chịu những thách thức lớn.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT chia sẻ về khó khăn và hai giải pháp được xem là “cứu cánh” của ngành Nông nghiệp để đảm bảo tốc độ tăng trưởng trong năm 2019:
Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo tập trung tháo gỡ khó khăn rào cản ATTP của các thị trường xuất khẩu các sản phẩm trái cây, rau, gạo, chè; xúc tiến xuất khẩu thịt gà sang Hà Lan, các sản phẩm thịt chế biến sang Hungary; xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm nông lâm thủy sản tại thị trường châu Âu. Chuẩn bị hồ sơ đề nghị xuất khẩu sang Hoa Kỳ các sản phẩm trái cây như bưởi, bơ, sầu riêng và các sản phẩm trái cây khác; xuất khẩu sang Nhật Bản các sản phẩm trái cây tươi như vải, nhãn, bưởi, chôm chôm, vú sữa; thúc đẩy phía Hàn Quốc cấp phép nhập khẩu vú sữa, nhãn, vải, chôm chôm, chanh leo của Việt Nam.
Bên cạnh đó, các hoạt động đẩy mạnh tiêu thụ nông sản tại thị trường nội địa, Bộ NN&PTNT đã triển khai hàng loạt giải pháp tháo gỡ, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản. 6 tháng đầu năm, đã mở cửa các thị trường mới đối với nhiều sản phẩm xuất khẩu, như xoài vào Mỹ, Anh, Australia; măng cụt vào Trung Quốc…
Trong bối cảnh diễn biến thời tiết bất lợi, nhất là nắng nóng và đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi đã gây thiệt hại rất nặng nề, theo người đứng đầu ngành nông nghiệp Việt Nam, với mức tăng trưởng chỉ là 2,39% so với năm ngoái, nhưng có thể nói đây cũng là kết quả cố gắng cao nhất của toàn ngành.
Theo đó, 6 tháng cuối năm nay, toàn ngành sẽ tập trung đẩy nhanh hơn nữa ở những lĩnh vực, những khu vực đang có dư địa. Một là lâm nghiệp nói chung, trong đó có kinh tế lâm sản đã đẩy nhanh hơn vì đang có thời cơ. Thứ hai là thủy sản, cả về khai thác và nuôi trồng, đặc biệt nuôi trồng đang tăng trưởng mạnh, mặc dù thế giới hiện giá của thủy sản đang ở mức không cao, song đây là ngành vẫn còn dư địa để tập trung phát triển. Lâm nghiệp và thủy sản được nhận định sẽ là 2 khu vực “cứu cánh” cho tốc độ tăng trưởng cũng như mục tiêu xuất khẩu của ngành nông nghiệp hiện nay.
Với ngành trồng trọt và chăn nuôi, sẽ phải đẩy nhanh tái cơ cấu lại. Trong đó, phải tập trung nỗ lực mọi giải pháp để chặn đứng được bệnh dịch tả lợn châu Phi, đồng thời tập trung đẩy nhanh hơn chăn nuôi gia cầm và đại gia súc. Tuy nhiên, phải hết sức chú ý đến yếu tố chăn nuôi bền vững, chú trọng cả về dịch bệnh, thị trường, tạo sinh kế cho người chăn nuôi nhỏ lẻ ở 2 nhóm đối tượng là đại gia súc và gia cầm.
Ý kiến ()