Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Bảy, 25/01/2025 00:37 (GMT +7)
Làn sóng doanh nghiệp tháo chạy khỏi Anh vì ‘lùng nhùng’ Brexit
Thứ 6, 25/01/2019 | 14:51:00 [GMT +7] A A
Sony và Panasonic là hai trong số những tên tuổi lớn đang phải tháo chạy khỏi Anh để tiếp cận thị trường Liên minh châu Âu (EU) vì mối lo sợ Brexit.
Tập đoàn Sony sẽ chuyển tổng hành dinh từ Anh tới Hà Lan, mặc dù vẫn duy trì hoạt động kinh doanh tại “xứ sở sương mù”. Ảnh: Reuters
Người phát ngôn tập đoàn Sony, ông Takashi Iida ngày 23/1 cho biết người khổng lồ điện tử Nhật Bản sẽ chuyển trụ sở chính tại Anh tới Hà Lan nhằm tránh các vấn đề về hải quan có thể phát sinh sau Brexit. Kế hoạch này được dự kiến thực hiện trước cuối tháng 3 năm nay.
Sony chỉ là doanh nghiệp tên tuổi mới nhất thông báo kế hoạch “tháo chạy” khỏi Anh. Tờ Independent cho hay trên 250 công ty tại Anh đang nộp hồ sơ lên Chính phủ Hà Lan đề nghị chuyển hoạt động tới nước này vì lo ngại rắc rối Brexit.
Các cơ quan chức năng phụ trách thương mại và đầu tư thuộc Chính phủ Hà Lan hiện rất bận rộn xử lý yêu cầu từ những công ty quan tâm đến việc tiếp cận thị trường EU, trong bối cảnh nước Anh chuẩn bị rời bỏ liên minh thuế quan và thị trường chung này.
Một số lượng lớn các công ty có tên tuổi đã thông báo quyết định di chuyển ngang qua Biển Bắc. Trước Sony, năm ngoái tập đoàn Panasonic của Nhật Bản cũng thông báo sẽ chuyển hoạt động tới Amsterdam; công ty vận chuyển đường biển P&O có lịch sử 182 năm hoạt động tại Anh tuyên bố sẽ đăng ký toàn hộ đội phà hoạt động ngang eo biển Anh treo cờ Cyprus; Giám đốc điều hành thương hiệu xe sang Bentley cũng cho hay họ đang tích trữ các linh kiện và mô tả Brexit là “sát thủ” đe dọa lợi nhuận của công ty này.
Phà của P&O ngang qua bãi biển Calais, Pháp. Đội phà của công ty này sẽ treo cờ Cyprus, thay vì cờ Anh như hàng trăm năm qua. Ảnh: Reuters
Ông Michiel Bakhuizen, người phát ngôn Cơ quan Đầu tư nước ngoài Hà Lan (NFIA) nói với hãng tin AFP rằng con số các công ty đàm phán chuyển tới Hà Lan đang ngày càng tăng. Một con số thống kê chính thức dự tính sẽ được công bố vào cuối tháng này, trong khi ông Bakhuizen khẳng định “bất cứ doanh nghiệp nào đến, dù nhỏ hay lớn, đều là một thành công”.
“Con số doanh nghiệp đang liên hệ với chúng tôi để tới Hà Lan đang tăng. Hồi đầu năm 2017 là 80, sang đầu năm 2018 là 150, và hiện đã lên tới trên 250 doanh nghiệp”, ông Bakhuizen cho biết. “Con số này đang tiếp tục tăng và không gây ngạc nhiên bởi những bất ổn lớn hiện nay tại Anh. Nếu có một điều gì đó tồi tệ với kinh doanh, thì đó là bất ổn”.
Xét về một góc độ nào đó thì Hà Lan có khi đã chuẩn bị cho Brexit còn tốt hơn cả nước Anh. Họ đưa ra nhiều kế hoạch đào tạo thêm 1.000 nhân viên hải quan để đối phó với những phát sinh tiềm tàng có thể xảy ra khi Anh chính thức rút khỏi EU.
Không chỉ mất đi lượng lớn các doanh nghiệp tư nhân, nước Anh còn “mất” một cơ quan quan trọng của EU về tay Amsterdam, đó là Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA).
Hà Lan đang là điểm đến hấp dẫn các doanh nghiệp chạy khỏi Anh vì lo ngại Brexit.
Hà Lan cũng không phải là quốc gia duy nhất hưởng lợi từ các chính sách của London. Hãng theo dõi dịch tài chính EY đầu tháng này cho biết có tới 80/222 công ty tài chính đã công khai việc họ đang cân nhắc chuyển nhân viên và các chiến dịch tại Anh về đại lục châu Âu.
Một số điểm đến hấp dẫn khác cho các công ty tài chính là Dublin, Paris, Luxembourg và Frankfurt.
Một cuộc thăm dò do CBI tiến hành hồi tháng 10/2018 đã phát hiện, đa số các doanh nghiệp dự định bắt đầu thực hiện kế hoạch khẩn cấp tránh Brexit của họ trong tháng 12/2018. Khoảng 30% các doanh nghiệp đã lên kế hoạch di dời sản xuất và dịch vụ ra nước ngoài, trong đó 56% tiến hành các điều chỉnh đối với chuỗi cung ứng của mình.
“Tình thế lúc này rất cấp bách. Nếu thỏa thuận Brexit không được chốt vào tháng 12, các công ty sẽ kích hoạt kế hoạch khẩn cấp. Nhiều việc làm sẽ bị mất và chuỗi cung ứng bị di chuyển”, Tổng giám đốc CBI Carolyn Fairbairn phát biểu.
Trong lúc này, Thủ tướng Anh Theresa vẫn chưa tìm được lối thoát cho thỏa thuận Brexit. Hôm 15/1, bà May phải hứng chịu thất bại lớn chưa từng thấy đối với bất kỳ chính phủ nào trong lịch sử hiện đại của nước Anh với 432 nghị sỹ bỏ phiếu chống thỏa thuận Brexit đã đạt được với EU và 202 phiếu ủng hộ.
Thủ tướng Anh Theresa May liên tục gặp khó với kế hoạch Brexit. Ảnh: Guardian
Cuộc bỏ phiếu này dường như đã được tiên đoán trước. Kế hoạch của Thủ tướng May không làm vừa lòng những người ủng hộ Brexit cứng rắn trong đảng Bảo thủ cũng như bất kỳ ai phản đối việc rời bỏ EU. Những người này cho rằng tiếp tục là một thành viên của Brussels rõ ràng là phương án tốt hơn.
Với việc Quốc hội Anh không tán thành kế hoạch Brexit, Anh chỉ còn có thể đứng trước 3 kịch bản: rời EU không có thỏa thuận hay còn gọi là phương án Brexit “hỗn loạn”, hoặc trưng cầu dân ý lần hai, hoặc từ bỏ ý định rời EU.
Theo các quy định của EU về việc một quốc gia thành viên rời khỏi khối, Anh sẽ rời khỏi EU vào ngày 29/3 tới mà không có thỏa thuận nào nếu quốc hội nước này không thông qua một thỏa thuận với EU hoặc Anh sẽ phải hủy bỏ Điều 50, chọn ở lại lâu dài với EU. Như vậy, có 2 phương án để không dẫn tới kết cục thảm họa Brexit không thỏa thuận: bỏ phiếu thông qua một thỏa thuận, đặc biệt là thỏa thuận Brexit đã được bà và giới chức EU nhất trí hoặc hủy bỏ Điều khoản 50, thay đổi kết quả trưng cầu ý dân. Tuy nhiên, Thủ tướng May nhấn mạnh việc thay đổi kết quả trưng cầu ý dân là một sự sai lầm.
Hôm 21/1, Thủ tướng May đã trình Hạ viện Anh “kế hoạch B” thay thế cho thỏa thuận đã bị “khước từ”. Tuy nhiên, kế hoạch mới của nữ Thủ tướng Anh bị chỉ trích không có gì khác biệt với kế hoạch thất bại trước đó.
Ý kiến ()