Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Hai, 20/01/2025 21:01 (GMT +7)
Lan tỏa chương trình ‘Đồng khởi – khởi nghiệp’ trong phụ nữ Xứ dừa
Thứ 2, 21/10/2019 | 10:01:00 [GMT +7] A A
Thực hiện phong trào khởi nghiệp, phụ nữ Xứ dừa phát động phong trào “Phụ nữ Bến Tre tự tin khởi nghiệp, làm giàu, thoát nghèo bền vững” đến cán bộ, hội viên, được đông đảo phụ nữ trong tỉnh hưởng ứng. Nhiều chị em đã mạnh dạn đầu tư khởi nghiệp, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.
“Quả ngọt” từ khởi nghiệp
Không chỉ dạy học, truyền đạt kiến thức cho học sinh, cô Ngô Song Đào (giáo viên môn Sinh học, Trường Trung học cơ sở Phước Hiệp, xã Phước Hiệp, huyện Mỏ Cày Nam, Bến Tre) còn nghiên cứu sáng chế sản phẩm nhang sinh học làm từ cây quao nước, một loài cây mọc tự nhiên, có rất nhiều ở vùng sông nước. Loại nhang này có công dụng xua muỗi nhưng không độc hại như các loại nhang được làm từ hóa chất trên thị trường.
Trao giải cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong phong trào hỗ trợ phụ nữ thoát nghèo. Ảnh Công Trí/TTXVN
Cô Song Đào cho biết, học sinh ở nông thôn thường phải sử dụng nhang xua muỗi công nghiệp để học bài, qua đó hít vào cơ thể nhiều độc tố, ảnh hưởng đến sức khỏe do nhang được tẩm ướp các hương liệu hóa chất độc hại. Thực tế ấy thôi thúc cô Song Đào nghiên cứu, sáng chế sản phẩm nhang không gây độc hại cho người sử dụng. Năm 2016, cô Song Đào nghiên cứu thành công và đoạt giải tại Cuộc thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh Bến Tre.
Trở về sau cuộc thi, cô Song Đào tiếp tục nghiên cứu cải tiến sản phẩm, đồng thời được Trung tâm Xúc tiến đầu tư và khởi nghiệp tỉnh Bến Tre hỗ trợ vốn đầu tư máy xay nguyên liệu lá quao và máy xe nhang. Cô Đào cũng được các ngành chức năng, nhất là Hội Liên hiệp Phụ nữ hỗ trợ thành lập doanh nghiệp, hỗ trợ nguồn vốn, xây dựng logo, nhãn hiệu, hướng dẫn quy trình đăng ký xây dựng tiêu chuẩn, đăng ký bảo hộ sản phẩm…
Năm 2018 sản phẩm nhang sinh học do cô sáng chế bắt đầu được đưa ra thị trường. Năm 2019, Công ty sản phẩm sạch Thiên Phúc của cô Song Đào được Trung tâm Xúc tiến đầu tư và khởi nghiệp tỉnh Bến Tre kết nối và được Dự án Phát triển đa dạng sinh kế và thích ứng biến đổi khí hậu (Dự án AMD tỉnh Bến Tre) hỗ trợ trên 500 triệu đồng để xây dựng nhà xưởng, đầu tư máy sản xuất nhang tự động.
Hiện nay, mỗi tháng Công ty Thiên Phúc cung cấp hơn 100 thùng nhang sinh học ra thị trường trong nước. Cô Song Đào còn liên kết các hộ phụ nữ trong huyện Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc thu mua lá quao, tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động địa phương với thu nhập hơn 150.000 đồng/ngày. Cô Song Đào chia sẻ, trong thời gian tới, Công ty tiếp tục đầu tư thêm thiết bị, máy móc, nhà xưởng để đáp ứng đủ điều kiện xuất khẩu nhang sang thị trường Nhật Bản, tạo thêm nhiều việc làm, giúp phụ nữ trong xã có thêm thu nhập.
Chị Huỳnh Ngọc Diễm, ở xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm (Bến Tre) từng là công nhân may, công việc bấp bênh, cái nghèo đeo bám nhiều năm liền. Năm 2016, được hỗ trợ từ nguồn vốn vay phát triển của Hội Phụ nữ tỉnh Bến Tre, chị Diễm mạnh dạn đầu tư máy may để nhận may gia công tại nhà. Tiếp đó, chị kêu gọi các chị em trong xã cùng thành lập tổ hợp tác may gia công do chị làm chủ. Đến nay tổ hợp tác may gia công của chị Diễm có 28 thành viên, thu nhập trung bình hơn 4,5 triệu đồng/người/tháng. Chị Diễm cho hay, đa số chị em điều bận công việc gia đình nên khó đến các công ty làm việc. Tổ may gia công góp phần giải quyết việc làm tại địa phương, giúp các chị có thêm thu nhập, vươn lên thoát nghèo.
Ở tuổi ngũ tuần, bà Lê Thị To (sinh năm 1958, xã Mỹ Hưng, huyện Thạnh Phú) quyết tâm khởi nghiệp từ sản phẩm tép rang dừa là đặc sản của quê hương. Bà To cho biết, nguồn nguyên liệu tép bạc đất ở địa phương rất phong phú nên bà quyết định khởi nghiệp bằng sản phẩm tép rang dừa. Hiện tại tổ hợp tác phụ nữ xã Mỹ Hưng do bà To làm tổ trưởng có 20 chị em trong ấp tham gia, trong đó một nửa là hộ nghèo, cận nghèo, mỗi tháng mang lại thu nhập thêm từ 2-3 triệu đồng/người.
Hội phụ nữ ở địa phương cũng hỗ trợ, giới thiệu liên kết với các đơn vị để thu mua sản phẩm cung ứng ra thị trường. Tép rang dừa thành phẩm được đóng gói, hút chân không nhằm bảo quản được lâu hơn và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm nên được khách hàng ưa chuộng. Sản phẩm đang hoàn thành thủ tục để đưa vào hệ thống siêu thị tiêu thụ. Theo bà To, khi được các cấp Hội hỗ trợ khởi nghiệp, nhiều phụ nữ tự tin hơn, quyết tâm theo đuổi ý tưởng của mình.
Đẩy mạnh hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp
Theo đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bến Tre, thực hiện Chương trình số 10 của Tỉnh ủy Bến Tre về “Đồng khởi, khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp” và Đề án Đa dạng sinh kế, kết hợp thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, các cấp Hội trong tỉnh tập trung vào 3 nhóm đối tượng là: phụ nữ nghèo, cận nghèo; phụ nữ có ý tưởng khởi nghiệp; phụ nữ là nữ chủ doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất kinh doanh.
Qua đó, đã hỗ trợ 455 phụ nữ khởi nghiệp trong các lĩnh vực như may công nghiệp, đan đát, đan giỏ cọng dừa, kết cườm, sản xuất các sản phẩm từ cây chôm chôm, đan ghế nhựa, bán thức ăn chay … Triển khai hỗ trợ các mô hình chắp cánh khởi nghiệp áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, Đề án Đa dạng sinh kế phụ nữ nghèo cận nghèo, có 346 phụ nữ khởi nghiệp được tiếp cận vốn với số tiền gần 7 tỷ đồng. Các cấp Hội cũng hỗ trợ phụ nữ Bến Tre khởi nghiệp kết nối với các nơi tiêu thụ sản phẩm, tạo điều kiện cho các mặt hàng khởi nghiệp có điều kiện phát triển; tổ chức truyền thông Đề án khởi nghiệp, tham quan mô hình kinh tế ngoài tỉnh…
Chị Nguyễn Thị Kim Thoa – Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bến Tre cho biết: Đến nay Hội Phụ nữ các cấp đã hỗ trợ 9 mô hình khởi nghiệp, 5 mô hình khởi sự kinh doanh; 142 phụ nữ khởi nghiệp và 50 phụ nữ khởi sự kinh doanh; vận động thành lập trên 100 tổ phụ nữ kinh doanh với hơn 700 thành viên tham gia, duy trì 160 tổ với 3.011 thành viên; thành lập Hội nữ doanh nhân tỉnh Bến Tre với hơn 75 thành viên; qua đó góp phần cùng giúp đỡ, hướng dẫn, tạo mọi điều kiện cho chị em tự tin khởi nghiệp.
Theo ông Phan Văn Mãi, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng tư vấn khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp tỉnh Bến Tre: Sau 3 năm thực hiện chương trình khởi nghiệp, Bến Tre đã xây dựng được một hệ sinh thái khởi nghiệp khá hoàn chỉnh với đầy đủ các thành tố, có sự gắn bó, liên kết chặt chẽ với nhau và phát triển không ngừng. Trong đó, các cấp Hội Phụ nữ đã lan tỏa được ý nghĩa chương trình đến với các chị em trong tỉnh, giúp phụ nữ tự tin hơn, quyết tâm hơn trong việc khởi nghiệp để vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Nhiều mô hình cách làm hay của các chị đã được nhân rộng trong toàn tỉnh, góp phần để Chương trình đồng khởi khởi nghiệp của Bến Tre thành công hơn.
Ý kiến ()