Chủ Nhật, 23/02/2025 07:02 (GMT +7)

Làng nghề bánh tráng góp chút vị xuân

Thứ 7, 19/01/2019 | 15:34:00 [GMT +7] A  A

Vào những ngày này, nhiều làng nghề bánh – mứt đang hối hả để kịp phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, trong đó có làng nghề bánh tráng ở khu phố Nhơn Hòa, phường 5, TP. Tân An, tỉnh Long An.

Làng nghề bánh tráng Nhơn Hoà nằm bên dòng sông Vàm Cỏ Tây hiền hoà, cách trung tâm TP. Tân An khoảng 2km. Nơi đây, từ hơn 100 năm trước đã nức tiếng khắp Nam bộ bởi sản phẩm bánh tráng đậm đà hương vị quê hương. Từ khi được UBND tỉnh Long An công nhận là làng nghề truyền thống vào tháng 12/2013, người dân làng nghề càng phấn khởi, hăng say làm việc để tiếp tục gìn giữ và phát huy nghề làm bánh tráng của cha ông truyền lại, đồng thời phát triển kinh tế hộ gia đình.

Bánh tráng Nhơn Hoà mang đậm nét đặc trưng riêng được người tiêu dùng ưa chuộng

Không khí làng bánh tráng khu phố Nhơn Hòa 1, Nhơn Hòa 2 vào những ngày này thật hối hả. Mới 2 giờ sáng, các lò rực sáng ánh đèn, bắt đầu cho một ngày làm việc mới với nhiều công đoạn: đốt lò, xay bột, tráng bánh, phơi bánh… Nơi đây hiện có khoảng 80 hộ dân theo nghề làm bánh tráng, đa số làm thủ công. Không ai biết rõ nghề làm bánh tráng ở đây có từ khi nào, chỉ biết rằng, đây là nghề “cha truyền con nối”. Với chất liệu chính là bột gạo thông thường nhưng bằng sự tỉ mỉ, cần cù người dân của làng nghề bánh tráng Nhơn Hoà đã tạo ra một loại bánh tráng mang đậm nét đặc trưng riêng, được khắp nơi ưa chuộng. Bánh được làm theo cách truyền thống, với độ mềm, dẻo, không sử dụng hoá chất và giá cả hợp lý.

Theo những người thợ làm bánh tráng: nghề làm bánh tráng không khó nhưng công việc đòi hỏi phải khéo léo, tỉ mỉ và bận rộn cả ngày. Nguyên liệu chính làm bánh tráng là gạo đem ngâm rồi xay thành bột mịn. Sau đó, lọc đi nước chua rồi lấy bột pha với nước sao cho không loãng cũng không được đặc quá. Đặc biệt là lửa dùng để hấp bánh không được lớn, chỉ để liu riu. Đồng thời, tay tráng bánh phải nhanh và đều thì bánh mới tròn và mỏng. Bên cạnh đó, người làm bánh còn phải chú ý đến thời tiết để biết ngày mai nắng lớn hay âm u để tráng bánh trong đêm, kịp đem phơi.

Bánh tráng phơi ngay khi nắng vừa lên

Qua nhiều năm tồn tại và phát triển, những người làm bánh tráng ở đây đã không ngừng tìm tòi và sáng tạo ra những cách làm mới. Nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, góp phần quan trọng trong việc giải quyết công ăn việc làm cho lao động địa phương, vì vậy đời sống của nhân dân khu phố Nhơn Hòa đã được cải thiện rõ rệt..

Ông Hồ Văn Chiến, ngụ khu phố Nhơn Hoà 2 chia sẻ: gia đình chủ yếu dựa vào nghề làm bánh tráng, ông tiếp nối nghề này theo truyền thống của gia đình cho đến nay đã được gần 20 năm. Hàng ngày, vợ chồng ông vẫn theo vòng tròn công việc: xay gạo, lọc và pha bột, nhóm lửa tráng bánh rồi đem phơi….Dịp tết năm nay, bánh làm ra bao nhiêu bán hết bấy nhiêu. Thậm chí, thương lái còn mang tiền đặt cọc trước các chủ lò để mua được bánh.

Bánh tráng Nhơn Hòa được làm với 100% bột gạo và không sử dụng hóa chất nên có hương vị đặc trưng, độ mặn vừa phải tạo cho bánh độ mềm, dẻo, cuốn với tôm, thịt, rau, bún, chấm nước mắm chua ngọt hay mắm nêm đều rất ngon. Nhờ vậy, trung bình mỗi ngày, một lò bánh tráng làm hơn 15kg gạo với khoảng 400 chiếc bánh, riêng tháng Chạp, sản lượng tăng lên gấp đôi, gấp ba.

Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 cận kề, người làm bánh tráng ở khu phố Nhơn Hòa 1, Nhơn Hòa 2 bước vào mùa làm bánh nhộn nhịp hơn. Hy vọng thêm một năm, người dân làng nghề truyền thống làm ăn hiệu quả, có điều kiện vui xuân, đón tết đủ đầy, sung túc hơn./.

Kim Ngân- Lê Quang

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu