Thứ Tư, 22/01/2025 11:35 (GMT +7)

Lãnh đạo UBND tỉnh Long An kiểm tra tình hình sản xuất nông nghiệp tại huyện Tân Thạnh

Thứ 6, 23/06/2017 | 10:26:00 [GMT +7] A  A

Ngày 22/6/2017 Phó chủ tịch UBND tỉnh Long An Phạm Văn Cảnh cùng đại diện lãnh đạo các Sở ngành liên quan kiểm tra tình dịch bệnh vàng lùn – lùn xoắn lá tại huyện Tân Thạnh.

Lãnh đạo tỉnh kiểm tra tại khu đê bao Bằng Lăng xã Tân Lập

Toàn huyệnTân Thạnh hiện có hơn 1.400 ha lúa bị nhiễm bệnh vàng lùn lùn xoắn lá, tập trung chủ yếu ở 3 xã gồm: Hậu Thạnh Tây 160 ha, Hậu Thạnh Đông 610 ha và Tân Lập 630 ha. Trong đó, có 910 ha bị nhiễm bệnh với tỷ lệ từ 10% – 20% và có 405 ha bị nhiễm với tỷ lệ từ 20% – 50%. Ngoài ra, rải rác các xã có tỷ lệ nhiễm bệnh 5% với tổng diện tích hơn 2.000 ha, chủ yếu trên trà lúa đang trổ. Đa số diện tích bị nhiễm bệnh vàng lùn – lùn xoắn lá có tỷ lệ cao là do người dân tự ý gieo sạ ngoài lịch thời vụ nên bị ảnh hưởng. Mặt khác, với việc gieo sạ liên tục tạo điều kiện thuận lợi cho rầy di trú sang các trà lúa nhỏ hơn, làm giảm năng suất và phẩm chất lúa, gây thiệt hại nặng nề cho nông dân. Trong khi đó những diện tích lúa gieo sạ đúng lịch thời vụ thì đang sinh trưởng và phát triển tốt. Như vậy, ngoài yếu tố kỹ thuật canh tác,ì đòi hỏi nông dân phải tuân thủ theo khung lịch thời vụ thì mới đảm bảo cho lúa khỏe mạnh và phát triển tốt.

Diện tích lúa gieo sạ theo lịch thời vụ đang phát triển tốt

Được biết, trong vụ Hè Thu và Thu Đông năm 2017, toàn huyện Tân Thạnh gieo sạ được hơn 61.500 ha, trong đó có khoảng 17.000 ha gieo sạ ngoài lịch thời vụ. Hiện còn hơn 9.000 ha lúa Hè Thu giai đoạn đòng trổ và trổ đều vào chắc đan xen với nhiều trà lúa vụ Thu Đông nên việc tăng cường giải pháp quản lý các đối tượng dịch hại trên ruộng đồng là cực kỳ quan trọng.

Hiện rải rác trên một số trà lúa đòng trổ và đẻ nhánh đang có rầy nâu tuổi 2 – 3 với mật độ từ 1.500 – 3.000 con/m2. Dự báo sắp tới, sẽ có đợt rầy nâu di trú gây ảnh hưởng đến diện tích lúa đã gieo sạ. Nông dân cần thường xuyên thăm đồng nhằm phát hiện và khống chế dịch bệnh kịp thời, không để bệnh bùng phát lây lan trên diện rộng, ảnh hưởng đến năng suất. Chính quyền và các ban, ngành ở địa phương cần kiên quyết chỉ đạo, khuyến cáo người dân gieo sạ theo lịch thời vụ để né rầy và bảo đảm thời gian cách ly giữa 2 vụ lúa, đẩy mạnh áp dụng các mô hình sản xuất “3 giảm – 3 tăng”, “1 phải – 5 giảm” trong sản xuất nhằm hạn chế đến mức thấp nhất và quản lý tốt đối tượng dịch hại trên cây lúa để vụ mùa thắng lợi./.

Duy Thanh

 

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu