Thứ Hai, 23/12/2024 20:30 (GMT +7)

Lễ hội đền Trần – Thái Bình sẽ diễn ra trang trọng, tiết kiệm

Thứ 2, 25/01/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A  A

Ông Vũ Tiến Khoái, Chủ tịch UBND huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình cho biết: Vào ngày 13 tháng Giêng tới, tại di tích cấp quốc gia đặc biệt “Khu lăng mộ và Đền thờ các vị vua triều Trần” (xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) Lễ hội đền Trần – Thái Bình sẽ được khai hội.

Năm nay, Lễ hội đền Trần – Thái Bình sẽ được tổ chức trong 4 ngày, từ ngày 13 đến 16 tháng Giêng (tức 20/2 đến 23/2 Dương lịch) với nhiều nghi thức, nghi lễ, trò chơi dân gian được tái hiện vẹn nguyên, đầy đủ mà Vương triều Trần để lại. Đây cũng là yếu tố hồn cốt để tạo nên giá trị “Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia” cho Lễ hội đền Trần – Thái Bình.

 

Nghi thức rước kiệu về đền Trần. Ảnh: Xuân Tiến-TTXVN

Theo ông Vũ Tiến Khoái, các địa phương phải thực hiện đúng quy định của Luật Di sản văn hóa, nếp sống văn minh trong tổ chức Lễ hội đền Trần – Thái Bình năm 2016. Các nghi thức phải tiến hành trang trọng theo quy định của Nhà nước, phù hợp với truyền thống, phong tục và tập quán của địa phương. Các yếu tố tiết kiệm trong tổ chức, đảm bảo tuyệt đối an toàn về người và tài sản cho du khách thập phương và cơ sở vật chất của di tích cũng được địa phương quan tâm.

Ngày 13 tháng Giêng (tức ngày 20/2 Dương lịch), Lễ hội đền Trần – Thái Bình năm 2016 sẽ được mở đầu bằng chuỗi các hoạt động, nghi thức: Lễ dâng hương tại 3 gò mộ Vua, tế mở cửa đền Thánh, đền Mẫu, đền thờ vua Trần; Lễ rước nước (rước thủy và rước bộ) để rước chân nhang ra bến sông và đón Linh thủy – nước thiêng về tế Vua; Lễ bái yết, đọc văn tế các vua Trần… Trong hoạt động rước nước sẽ có gần 1.000 người khênh 9 kiệu (đặt bát hương, linh vị các vị vua đầu triều Trần, các bậc Hoàng hậu, công chúa nhà Trần và hoàng thân, quốc thích, tướng soái nhà Trần) và tham gia đoàn tế, mang chấp kích, bát biểu, tàn lọng, đồ tế khí…

Lễ khai mạc lễ hội sẽ diễn ra vào tối cùng ngày để tôn vinh công lao to lớn của triều Trần trong tiến trình lịch sử; khẳng định vùng đất Long Hưng xưa – Hưng Hà nay là địa bàn chiến lược mà nhà Trần đã chăm lo xây dựng thành một phòng tuyến hiểm yếu để triển khai thế trận thủy chiến và là một hậu phương vững chắc để huy động binh lương phục vụ kháng chiến. Thái Đường-Long Hưng xưa cũng là nơi đặt tôn miếu để xây dựng lăng tẩm, an táng các vị vua, hoàng hậu đầu triều Trần và nhiều trọng thần trong hoàng tộc nhà Trần. Màn sử thi “Sáng mãi một vương triều” cũng được diễn ra sau đó.

Từ ngày 14 tháng Giêng (tức ngày 21/2 Dương lịch) đến ngày 16 tháng Giêng (tức ngày 23/2 Dương lịch) sẽ diễn ra lễ tế tại sân tiền tế đền Vua, đền Thánh, đền Mẫu. Các hoạt động của phần hội với các trò chơi dân gian, hoạt động thể thao, văn nghệ mang đậm sắc thái văn hóa như: Thi cỗ cá, thi vật cầu, thi kéo lửa nấu cơm cần, thi pháo đất, thi gói bánh chưng, kéo co… cũng được tổ chức trong suốt quá trình diễn ra lễ hội.

Năm 2014, Lễ hội đền Trần – Thái Bình được Bộ Văn hóa -Thể thao và Du lịch cấp bằng chứng nhận “Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”. Năm 2015, “Khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần” được nhà nước công nhận là “Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia đặc biệt”.

Lễ hội đền Trần – Thái Bình được tổ chức hằng năm nhằm khẳng định và tôn vinh công lao dựng nước, giữ nước của Nhà Trần trong lịch sử Việt Nam; khẳng định giá trị lịch sử, văn hóa của khu di tích; bảo tồn, phát huy những giá trị lịch sử, văn hóa của nhà Trần; Đồng thời, đáp ứng nhu cầu tâm linh của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh và du khách thập phương đến tham quan, chiêm bái.

Hải An- Xuân Tiến- TTXVN

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu