Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Tư, 08/01/2025 03:24 (GMT +7)
Lễ Tế tổ bách nghệ tôn vinh nghề truyền thống Việt
Thứ 3, 30/04/2019 | 09:19:00 [GMT +7] A A
Trong khuôn khổ Festival Nghề truyền thống Huế 2019, chiều tối 29/4, Lễ Tế tổ bách nghệ và Lễ rước tôn vinh nghệ nhân, thợ thủ công và nghề thủ công truyền thống Việt Nam đã diễn ra tại công viên Tứ Tượng, thành phố Huế.
Lễ tế Tổ Bách nghệ được thực hiện trang trọng.
Lễ Tế tổ bách nghệ là nghi thức truyền thống nhằm ghi nhớ công ơn của các bậc tiền nhân, các vị thần nghề, những người đã khai sinh ra các làng nghề truyền thống Việt Nam để con cháu đời sau được thừa hưởng, phát huy, gìn giữ những tinh hoa văn hóa, đồng thời cầu mong cho sản xuất phát triển, bình an và may mắn.
Tại Lễ Tế tổ bách nghệ, các nghi thức truyền thống được thực hiện trong không khí trang trọng. Chủ tế buổi lễ năm nay là Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Văn Sính cùng Nghệ nhân Ưu tú Hoàng Ngọc Tuyên và Trần Duy Mong. Hơn 350 Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú, Nghệ nhân Dân gian, những người thợ có đôi bàn tay “vàng” đến từ 62 làng nghề, cơ sở nghề truyền thống tiêu biểu của ba miền trên cả nước đã có mặt đông đủ trong nghi lễ đặc biệt này.
Kiệu rước tổ nghề.
Ngay sau nghi thức Lễ Tế tổ bách nghệ là Lễ rước tôn vinh nghệ nhân, làng nghề truyền thống với sự tham gia của hàng trăm nghệ nhân và các nghệ sĩ, người mẫu, sinh viên, học sinh mang những trang phục truyền thống với đầy đủ kiệu tổ nghề, đội nhạc bát âm, chiêng trống, cờ lộng, lân rồng. Lễ rước bắt đầu từ công viên Tứ Tượng qua cầu Tràng Tiền dọc theo đường Trần Hưng Đạo, Lê Lợi đến sân khấu bia Quốc học, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước tham gia.
Lễ Tế tổ bách nghệ và Lễ rước tôn vinh nghệ nhân, làng nghề truyền thống là một trong những hoạt động chính của Festival Nghề truyền thống Huế 2019. Với chủ đề “Tinh hoa nghề Việt”, Festival hội tụ 16 nhóm nghề: Thêu, kim hoàn, mộc mỹ nghệ, đồng, gốm, nón lá, hoa giấy, thư pháp, tranh, diều, dệt – may, mây tre, pháp lam, nhang trầm, tinh dầu, lân – sư – rồng, các sản phẩm có thương hiệu và truyền thống lâu đời.
Festival năm nay có sự tham gia của 62 làng nghề, cơ sở nghề và trên 350 Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú, “bàn tay vàng” đến từ các làng nghề nổi tiếng trong cả nước như Hà Giang, Hòa Bình, Hà Nội, Thái Bình, Hà Nam, Ninh Thuận, Lâm Đồng, Đà Lạt, Đồng Tháp, Hưng Yên và Thừa Thiên – Huế.
Ý kiến ()