Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Tư, 25/12/2024 00:29 (GMT +7)
Lễ kỉ niệm 75 năm ngày khởi nghĩa Nam Kỳ và 50 năm chiến thắng trận Đức Lập
Thứ 2, 23/11/2015 | 00:00:00 [GMT +7] A A
Đã đăng vào 23/11/2015 lúc 0:00
10Sáng 21/11/2015, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ tỉnh Long An tổ chức lễ kỷ niệm 75 năm Ngày khởi nghĩa Nam Kỳ (23/11/1940-23/11/2015) và 50 năm Chiến thắng trận Đức Lập (20/11/1965-20/11/2015). Dự lễ kỉ niệm có Chủ tịch nước CHXHCNVN – Ông Trương Tấn Sang; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao – Ông Trương Hòa Bình; Phó trưởng ban tổ chức tỉnh ủy – Ông Mai Văn Chính, Bí thư Tỉnh ủy – Ông Phạm Văn Rạnh cùng các đồng chí lãnh đạo các Bộ, ban, ngành TW, lãnh đạo tỉnh LA; các mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh và cán bộ hưu trí.
Tại buổi lễ, Bí thư Tỉnh ủy Long An – Ông Phạm Văn Rạnh đọc diễn văn ôn lại những trang sử oanh liệt, hào hùng của dân tộc ta nói chung và của nhân dân tỉnh LA nói riêng trên con đường cách mạng. Qua đó, nêu bật tinh thần bất khuất, ý chí chiến đấu kiên cường của nhân dân ta trong Cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ và chiến thắng trận Đức Lập. Là 02 trong 09 tỉnh thành diễn ra khởi nghĩa sớm và mạnh mẽ nhất, cuộc khởi nghĩa ở tỉnh Tân An và tỉnh Chợ Lớn đã cùng với các tỉnh Nam Kỳ làm rung chuyển toàn bộ hệ thống bộ máy cai trị thuộc địa mà thực dân Pháp tạo dựng trong hơn 80 năm. Cuộc khởi nghĩa tuy chưa thành công nhưng đã để lại những bài học lịch sử vô cùng quý báu, hun đúc nên lòng dũng cảm, ý chí quật cường cho Đảng và nhân dân ta trong 2 cuộc trường kì kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Phát huy hào khí của cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, Đảng bộ, lực lượng vũ trang và nhân dân Long An tiếp tục làm nên những chiến công vang dội, trong đó tiêu biểu là chiến thắng trận Đức Lập ngày 20/11/1965 do Anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Chiểu – Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Long An là người trực tiếp chỉ huy trận đánh. Chiến thắng trận Đức Lập cùng với các chiến công oanh liệt khác của quân và dân Long An đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận. Tại Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua toàn miền Nam lần thứ 2 tháng 9/1967, quân và dân Long An được vinh dự tặng danh hiệu : “Trung dũng, kiên cường, toàn dân đánh giặc”.
Bày tỏ niềm tự hào sâu sắc với mảnh đất Long An cùng những tên đất, tên người đã đi vào lịch sử, Chủ tịch nước CHXHCNVN – Trương Tấn Sang nhấn mạnh: Tinh thần và chủ nghĩa anh hùng cách mạng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, hào khí Nam Kỳ khởi nghĩa hơn lúc nào hết phải được Đảng bộ và nhân dân Long An phát huy cao độ. Những bài học tinh túy rút ra từ lịch sử đấu tranh cách mạng phải được tiếp tục vận dụng linh hoạt, sáng tạo vào điều kiện, hoàn cảnh mới, góp phần vào công cuộc đổi mới và hội nhập, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thay mặt thế hệ trẻ, Bí thư ĐTNCSHCM tỉnh Long An – Bùi Quốc Bảo khẳng định: thành quả tự hào của thế hệ cha ông đi trước sẽ là truyền thống quý báu cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau học tập noi theo, ra sức phấn đấu góp phần thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa- hiện đại hóa và xây dựng quê hương Long An ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Trước đó, Chủ tịch nước CHXHCNVN – Trương Tấn Sang, Bí thư TW Đảng, chánh án tòa án nhân dân tối cao – ông Trương Hòa Bình, phó trưởng Ban tổ chức TW – Ông Mai Văn Chính, Bí thư tỉnh ủy LA – ông Phạm Văn Rạnh, cùng lãnh đạo các Bộ, ban, ngành TW và tỉnh LA, các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh đã đến thắp hương tưởng niệm đồng chí Võ Văn Tần và đồng chí Châu Văn Liêm.
Tiếp đó, đoàn đại biểu TW và địa phương đã đến dự Lễ và cắt băng khánh thành tượng đài chiến sĩ Nam Kỳ khởi nghĩa tại thị trấn Đức Hòa và bia chiến thắng trận Đức Lập xã Đức Lập Thượng.
Đức Hòa là một trong những cái nôi của phong trào các mạng tỉnh LA nói riêng và khu vực Nam Bộ nói chung. Năm 1940, người dân Đức Hòa đã hưởng ứng và tham gia cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ do Đảng lãnh đạo. Tuy nhiên, cuộc khởi nghĩa không thành công. Sau đó, kẻ thù thẳng tay đàn áp dã man; đồng bào ta bị địch bắt, tra tấn, tù đày, giết vô cùng tàn bạo. Cũng trong thời điểm này, một đài xử bắn được dựng lên tại ngã tư Đức Hòa để hành hình những chiến sĩ tham gia cuộc khởi nghĩa. Tại đây, trong 3 ngày 7-8 và 9/7/1941, bọn chúng đã liên tiếp xử bắn 11 chiến sĩ Nam kỳ khởi nghĩa quận Đức Hòa. Tại pháp trường, các đồng chí đã nêu cao khí tiết của người cộng sản, để lại cho đời sau tấm gương hy sinh oanh liệt và tinh thần bất khuất trước kẻ thù mà điển hình là đồng chí Dương Văn Dương.
Để tưởng nhớ tấm gương oanh liệt của đồng bào, chiến sĩ đã chiến đấu và hy sinh trong cuộc khởi nghĩa Nam kỳ nói chung và trong cuộc khởi nghĩa ở Đức Hòa nói riêng, năm 2012, tỉnh LA đã xây dựng tượng đài chiến sĩ Nam kỳ khởi nghĩa tại khu di tích ngã tư Đức Hòa, thị trấn Đức Hòa. Tượng đài được tạc bằng chất liệu đá, cao 9,5m, nặng 510 tấn. Đây là biểu tượng cho khí phách kiên cường và tinh thần bất khuất của đất và người LA trong sự nghiệp đánh đuổi giặc ngoại xâm, giành độc lập cho Tổ quốc.
Phát huy hào khí của cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, Đảng bộ, lực lượng vũ trang nhân dân LA tiếp tục làm nên những chiến công vang dội, trong đó, có chiến thắng trận Đức Lập, ngày 20/10/1965, góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa – lịch sử mà cha ông để lại, đồng thời thể hiện lòng biết ơn của thế hệ hôm nay đối với những hy sinh, cống hiến lớn lao của những người đi trước, tỉnh đã đầu tư xây dựng Bia chiến thắng trận Đức Lập tại Đồn Đức Lập xã Đức Lập Thượng và tổ chức lễ khánh thành vào đúng dịp kỷ niệm 50 năm ngày chiến thắng trận Đức Lập.
Đức Lập là một xã thuộc huyện Đức Hòa, nằm ở cửa ngõ phía Đông thị xã Khiêm Cương, tỉnh Hậu Nghĩa, án ngữ tỉnh lộ 8A, nay là Đường tỉnh 823, nối liền Hậu Nghĩa với Củ Chi và Sài Gòn. Để bảo vệ con đường huyết mạch này, địch đã xây dựng đồn Đức Lập tại ngã tư Đức Lập, nay thuộc xã Đức Lập Thượng, và bố trí lực lượng tinh nhuệ dọc theo tỉnh lộ 8A. Trong vòng 2 tháng, từ 28/9 đến 20/11/1965, lực lượng vũ trang Long An đã phối hợp với Tiểu đoàn 267 Quân khu 8 ba lần đánh đồn Đức Lập, tiêu diệt 3 tiểu đoàn, 5 đại đội, 6 trung đội với khoảng 1800 tên địch. Đây là một trong những chiến công vang dội nhất của quân-dân Long An nói riêng và Khu 8 nói chung, góp phần đánh bại âm mưu bình định có trọng điểm của Mỹ-ngụy, làm phá sản kế hoạch ngăn chặn hành lang và phòng thủ từ xa của địch ở những vị trí then chốt quanh Hậu Nghĩa và Sài Gòn.
Tượng đài Chiến sĩ Nam Kỳ khởi nghĩa và bia chiến thắng trận Đức Lập là những di tích lịch sử tố cáo tội ác của bọn thực dân xâm lược và là niềm tự hào của người dân Đức Hòa nói riêng và dân tộc VN nói chung về tinh thần đấu tranh không mệt mỏi để giành lấy nền độc lập tự do. Đây cũng là những địa chỉ đỏ góp phần thiết thực vào công tác giáo dục lịch sử, truyền thống cũng như phục vụ tham quan, du lịch cho các tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh, nhất là thế hệ trẻ./.
Nghe online:
Duy Huệ – Kim Ngân – Võ Huy – Đức Cảnh
Ý kiến ()