Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Hai, 20/01/2025 04:54 (GMT +7)
Liên tiếp bị Mỹ giáng đòn, kinh tế TQ lộ ‘gót chân A-sin’ đáng sợ
Thứ 5, 21/11/2019 | 15:59:00 [GMT +7] A A
Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong năm 2020 sẽ có thể đạt mức 6% hoặc cao hơn, nếu căng thẳng thương mại Mỹ-Trung dịu đi trong thời gian tới.
Một số nhà phân tích nhận định, Trung Quốc sẽ đặt mục tiêu tăng trưởng của nước này trong năm 2020 ở mức 6%, ngay cả khi nhiều dự báo thuộc khu vực tư nhân cho rằng mức tăng trưởng này sẽ thấp hơn bởi thiếu những kích thích kinh tế đáng kể.
Tăng trưởng kinh tế TQ đi xuống do thương chiến
Nhà nghiên cứu Liu Xuezhi thuộc Ngân hàng Giao thông Trung Quốc cho biết, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2020 sẽ là 6%, và triển vọng đàm phán thương mại sẽ xác định tăng trưởng cao hay thấp hơn con số đó. Theo ông, mức 6% vẫn là cao so với nhiều nền kinh tế khác, và sự biến động nhỏ “sẽ không tác động rõ rệt tới cuộc sống hàng ngày của người dân”.
Trong khi đó, nhiều nhà kinh tế học thuộc tổ chức Morgan Stanley lại đưa ra một kịch bản khác. Nếu Mỹ-Trung ký kết thỏa thuận thương mại ‘bước 1’ và một số mức thuế được dỡ bỏ, thì tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ là 5,9%, và sẽ có sự phục hồi khiêm tốn trong năm tới, với mức tăng trưởng trung bình năm 2020 vào khoảng 6%.
Trong trường hợp thương chiến tiếp tục leo thang, chỉ số tăng trưởng của Trung Quốc sẽ là 5,3%. Còn trong trường hợp tốt hơn, với sự cải thiện các quan hệ thương mại, tăng trưởng kinh tế sẽ cỡ 6,4%, theo nhận định của chuyên gia kinh tế Robin Xing thuộc Morgan Stanley.
Sự phục hồi niềm tin người tiêu dùng cũng rất quan trọng đối với sức mua, bởi đây chính là nhân tố quyết định khi đánh giá triển vọng tăng trưởng kinh tế. Báo SCMP cho biết, nhân tố người tiêu dùng chiếm tỷ lệ tới 60,5% trong tăng trưởng kinh tế 3 quý đầu năm 2019.
Niềm tin của người tiêu dùng TQ đang ở mức thấp
Trung Quốc đã giảm thuế thu nhập cá nhân và triển khai trợ cấp cho người tiêu dùng nhằm thúc đẩy hoạt động mua sắm, nhưng tăng trưởng doanh số bán lẻ trong 10 tháng đầu năm 2019 chỉ đạt mức 8,1%, thấp hơn so với con số 9,2% năm ngoái.
Không ít chuyên gia nhận định, nhiều hộ gia đình thích tiết kiệm hơn là chi tiêu trong bối cảnh căng thẳng thương mại và thị trường việc làm bất ổn định. Trên thực tế, thị trường việc làm là nhân tố quan trọng tác động tới việc việc mua sắm của người tiêu dùng. Nhân tố này luôn được coi như là “gót chân A-sin” của Trung Quốc, do điều này đảm bảo sự ổn định xã hội và đây chính là ưu tiên hàng đầu của Bắc Kinh.
Tổng thống Mỹ Donald Trump từng viết trên Twitter rằng: “Trung Quốc đã mất đi hàng triệu việc làm kể từ khi thương chiến bắt đầu hồi tháng 7/2018, và Bắc Kinh muốn đạt được thỏa thuận bởi chuỗi cung ứng của nước này đang đi xuống”.
Dù vậy, chuyên gia kinh tế Larry Hu thuộc công ty dịch vụ tài chính Macquarie Capital nói rằng, “tỷ lệ thất nghiệp chắc chắn sẽ gia tăng trong bối cảnh nền kinh tế trì trệ, nhưng đây không phải là vấn đề lớn. Không giống như Mỹ, nơi thị trường lao động được theo dõi rất chặt chẽ, không có bất kỳ dữ liệu hoàn chỉnh nào phản ánh tình hình việc làm tại Trung Quốc trên thực tế”.
Theo ông Hu, sự trì trệ kinh tế Trung Quốc hiện nay “chưa đủ tệ” để cần tới sự kích thích kinh tế lớn hơn. Tuy nhiên, Bắc Kinh sẽ để mắt tới 3 khía cạnh gồm tốc độ tăng trưởng liên quan tới mục tiêu của Trung Quốc, lợi nhuận doanh nghiệp và điều kiện tài chính của từng địa phương. Bởi 3 khía cạnh này sẽ đánh giá sự cần thiết tới những biện pháp mạnh hơn nữa nhằm hỗ trợ sự tăng trưởng.
Tỉ lệ thất nghiệp tại TQ theo từng năm. Ảnh: Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc
SCMP trích số liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho biết, tỷ lệ thất nghiệp ở nước này trong quý 3/2019 ở khoảng 3,6% so với 3,8% hồi năm ngoái. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp được thống kê tại 31 thành phố lớn đã tăng, ở mức 5,1% so với 4,7% hồi 2018.
Dữ liệu của chính phủ Trung Quốc không phản ánh được bức tranh toàn cảnh, bởi đa số công nhân nhập cư, khoảng 288 triệu người hồi cuối 2018, lại không được Bắc Kinh tính tới. Số liệu trên cũng không tính tới những vấn đề như chất lượng công việc, các biện pháp đảm bảo an toàn của các công ty, hay như giá nhà đất và thịt lợn tăng cao.
“Chúng ta nên để tâm tới cấu trúc của nạn thất nghiệp. Một số người bị mất việc tại lĩnh vực sản xuất truyền thống sẽ khó có thể tìm thấy công việc ở lĩnh vực dịch vụ”, ông Liu kết luận.
Theo Tuấn Trần/ VietnamNet
https://vietnamnet.vn/vn/the-gioi/binh-luan-quoc-te/lien-tiep-bi-my-giang-don-kinh-te-tq-lo-got-chan-a-sin-dang-so-589986.html
Ý kiến ()