Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Năm, 23/01/2025 13:54 (GMT +7)
Loại bỏ đốt vàng mã để lành mạnh văn hóa tâm linh, lễ hội
Thứ 3, 27/02/2018 | 09:12:00 [GMT +7] A A
Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định, đốt vàng mã không có trong triết lý của đạo Phật, việc loại bỏ đốt vàng mã là nhằm lành mạnh văn hóa tâm linh, lễ hội.
Đốt vàng mã tại chùa Đồng, Yên Tử (Quảng Ninh). |
Trước Tết, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có văn bản số 31 do Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch thường trực Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam ký, gửi Ban Thường trực Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc thực hiện một số việc trong thời gian tổ chức lễ hội. Đáng chú ý, công văn đề nghị “chư Tôn đức Tăng Ni nêu cao tinh thần Bồ tát đạo, hướng dẫn đồng bào Phật tử và bà con loại bỏ mê tín dị đoan, đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo và các hình thức khác trái với thuần phong mỹ tục, văn hóa dân tộc và văn hóa Phật giáo Việt Nam”.
Nội dung công văn còn nêu rõ: Trong các bài giảng chú trọng việc gìn giữ nét đẹp văn hoá truyền thống, thuần phong mỹ tục trong các lễ hội; lan toả giá trị từ bi, lòng bao dung, tôn trọng sự khác biệt của các cộng đồng tín ngưỡng, tôn giáo bạn.
Công văn của Giáo hội Phật giáo Việt Nam có nội dung loại bỏ đốt vàng mã tại cơ sở nơi thờ tự Phật giáo đang nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân trong mùa lễ hội này, khi mà hiện tượng đối vàng mã thường gia tăng dịp đầu năm.
Nhiều người vẫn chuẩn bị vàng mã khi vào lễ chùa. |
Theo sư thầy Thích Tịnh Giác (trụ trì chùa Phúc Sơn, thôn Kim Sơn, xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm, Hà Nội), bản chất của việc đốt vàng mã không phải là xấu, không phải mê tín, nhưng nếu đốt mà không hiểu thì vô tình lừa gạt chính mình và làm tổn thương lòng từ bi.
Vàng mã và hình nhân thế mạng không phải xuất phát từ Việt Nam mà xuất phát từ Trung Quốc từ tích truyện khi nhà vua chết, các cung phi mỹ nữ của vua cũng phải tuẫn tiết theo. Nhà vua chết, quan quân phải xây lăng tẩm ở dưới lòng đất sau đó đưa hết vàng bạc, châu báu của nhà vua đem chôn ở dưới đó với ý nghĩ là trả lại cho vua. Và xuất phát từ đó, hình nhân thế mạng, vàng mã được tạo ra là để đối phó với những hủ tục này. Vàng bạc cũng vậy, nếu mang chôn đi sẽ là sự lãng phí lớn, làm tổn thất của cải của đất nước nên người Trung Quốc cũng làm vàng mã để đốt đi, thay cho vàng bạc phải mang chôn.
Do việc lưu truyền tam sao thất bản, nên việc đốt vàng mã hiện nay không còn theo đúng nghĩa ban đầu. Người ta cứ nghĩ là khi có ai chết là phải đốt vàng mã, hay khi bị bệnh tật thì phải đốt hình nhân để chữa bệnh… Do vậy, đốt vàng mã là một sự mâu thuẫn trong tâm tư của con người và lãng phí. Do đó, từ vài năm nay, Thượng tọa Thích Tịnh Giác đã tuyên truyền vận động những người đến chùa Phúc Sơn không đốt vàng mã.
Hòa thượng Thích Thanh Nhã, trụ trì chùa Trấn Quốc (Hà Nội) khẳng định, trong giáo lý nhà Phật không có bất cứ điều nào, kinh nào dạy về việc đốt vàng mã và cho rằng, đồng bào phật tử nên dùng tiền mua vàng mã đốt để làm việc thiện cho đời sẽ tốt hơn rất nhiều.
Còn Đại đức Thích Đạo Hiển, Phó Trưởng ban Trị sự kiêm Chánh Thư ký Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh cũng khẳng định: Đốt vàng mã là tín ngưỡng lâu đời của người Việt có ảnh hưởng từ Trung Quốc. Việc đốt vàng mã không có trong triết lý, kinh sách của đạo Phật. Đốt vàng mã là thói quen hàng trăm năm diễn ra tại đền phủ, chùa miếu, thậm chí vào cúng lễ gia tiên. Một số người do suy nghĩ lệch lạc, thái quá nên đốt vàng mã rất nhiều, ảnh hưởng đến cơ sở thờ tự, môi trường. Việc không được đốt vàng mã có trách nhiệm quản lý cơ sở thờ tự nên về phía các chùa tại Quảng Ninh hướng dẫn người dân bỏ đốt vàng mã, theo hình thức tuyên truyền vận dộng làm lành mạnh hóa văn hóa tâm linh lễ hội của nhân dân.
Ông Bùi Huy Hoàng (Đống Đa, Hà Nội), người dân theo đạo Phật cho biết: “Từ chục năm nay, tôi không đốt vàng mã. Tôi thành tâm lên chùa hoặc đền chỉ mua hoa và hoa quả, đặt tiền thật lên ban chính hoặc cho vào hòm công đức, không cần đổi tiền lẻ để rải tiền các ban nữa. Đi chùa, đền chủ yếu là thành tâm để bản thân thư thái, không để tiền lên tượng, hoặc ném tiền lung tung làm mất thẩm mỹ, cũng như không đốt vàng mã”.
Còn bà Nguyễn Thi Lễ (Tràng An, Ninh Bình) đi lễ tại chùa Ngọa Vân ( Quảng Ninh) cho biết : “Thời gian gần đây, tôi cũng được sư phụ và nhiều người nhắc đến việc hạn chế đốt vàng mã. Tuy nhiên theo thói quen, chúng tôi đi chùa thì phải có lá sớ, đốt vàng mã. Nhưng nay, chúng tôi sẽ hạn chế dần. Để từ bỏ thói quen cũng cần có thời gian”.
Ý kiến ()