Dự án xây dựng sân bay An Giang, có tổng vốn đầu tư 3.417 tỉ đồng, được đưa vào danh mục ưu tiên đầu tư theo hình thức PPP giai đoạn 2016-2020, nằm trong dự thảo kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng GTVT và hệ thống logistics vùng ĐBSCL.
Theo thiết kế, sân bay An Giang thuộc sân bay nội địa trong mạng cảng hàng không, dùng cho mục đích bay taxi, bay hàng không chung, bay phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn, phát triển bay khai thác thường lệ khi có thị trường và là sân bay dùng chung trong lĩnh vực dân dụng và quân sự.
|
Cảnh hàng không Quốc tế Cần Thơ, chỉ mới khai thác khoảng 10% công suất so với thiết kế. |
Trong đó, phân kỳ đầu tư đến năm 2020 là 1.481 tỷ đồng, định hướng đến năm 2030 là 1.936 tỷ đồng. Sân bay được xây dựng trên nền đất nông nghiệp với tổng diện tích hơn 235 ha thuộc khu vực xã Cần Đăng (huyện Châu Thành, tỉnh An Giang). Tuy nhiên, dự án này đã bị bác bỏ tại hội nghị “Huy động nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và hệ thống logistics vùng ĐBSCL, do Bộ GTVT và Ban chỉ đạo Tây Nam bộ tổ chức tại Cần Thơ vào ngày 22/8, do Phó thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ Vương Đình Huệ chủ trì.
Lý do được Viện Chiến lược và Phát triển GT-VT loại dự án này ra khỏi danh mục ưu tiên đầu tư là do lo ngại dự án hoạt động kém hiệu quả như dư luận phản ánh.
Theo ông Lê Đỗ Mười, Phó viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển GT-VT, dự thảo không phát hành chính thức. “Sân bay An Giang không nằm trong kế hoạch, do phía tỉnh An Giang đề xuất nên đã tổng hợp vào kế hoạch. Tuy nhiên, Bộ và Chính phủ không đồng ý phương án này”, ông Mười cho hay.
Theo ông Trần Hữu Hiệp, Ủy viên chuyên trách kinh tế thuộc Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, dự án này sẽ “hút” vốn rất lớn, trong khi điều kiện chúng ta rất khó khăn và nhu cầu chưa thật sự cần thiết. Tại ĐBSCL đã có sân bay Cần Thơ, Rạch Giá, Phú Quốc…
Cách An Giang khoảng 60 km có sân bay quốc tế Cần Thơ, xa hơn chút nữa là sân bay Cà Mau, sân bay Phú Quốc. Thay vì đầu tư ở lĩnh vực chưa bức xúc, cần dành khoảng tiền lớn đó cho những dự án đang đầu tư dở dang hoặc xây dựng đường sá vì còn 60 xã ở 9 tỉnh, thành chưa có đường ô tô vào tận nơi.
Trong khi đó, Cảng Hàng không quốc tế Cần Thơ cũng chưa khai thác hết công suất thiết kế. Năm 2011, sân bay Cần Thơ được xây dựng trở thành sân bay quốc tế, có năng lực phục vụ từ 3-5 triệu lượt khách/năm, lượng hàng hoá thông qua khoảng 5.000 tấn/năm, có khả năng tiếp nhận các loại máy bay vận tải lớn nhưng năng lực vận chuyển hành khách hằng năm quá ít, bằng khoảng 10% so với công suất thiết kế./.
Theo Anh Minh/Zing
Ý kiến ()