Thứ Sáu, 24/01/2025 21:39 (GMT +7)

Loay hoay bài toán chống ngập ở các đô thị lớn

Thứ 4, 22/08/2018 | 14:52:00 [GMT +7] A  A

TP Hồ Chí Minh và Hà Nội là hai trung tâm kinh tế – xã hội – văn hóa lớn của cả nước nhưng mỗi khi triều cường dâng cao hoặc có mưa lớn thì đều chìm trong biển nước, mặc dù cả 2 thành phố đã chi hàng ngàn tỷ đồng cho công tác quy hoạch chống ngập.

Bài 1: TP Hồ Chí Minh càng chống càng… ngập

Quy hoạch chống ngập quá cũ, trong khi nhiều khu vực trên địa bàn bị sụt lún hàng năm do khai thác nước ngầm, thiếu vốn đầu tư, chưa giải phóng xong mặt bằng… đang là những nguyên nhân khiến trình trạng ngập nước kéo dài và ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân tại TP Hồ Chí Minh.

TP Hồ Chí Minh là địa bàn mà người dân phải thường xuyên đối mặt với ngập nước đô thị.

Cuộc sống đảo lộn vì…nước

Khi chúng tôi hỏi thăm về các điểm ngập nước của TP Hồ Chí Minh mà người dân biết, kết quả cho thấy không ít người dễ dàng liệt kê vanh vách các con đường có “tiền sử” ngập nước của thành phố như: đường Kha Vạn Cân, Tô Ngọc Vân (quận Thủ Đức), đường Đỗ Xuân Hợp, Tăng Nhơn Phú (quận 9), Huỳnh Tấn Phát (quận 7), Nguyễn Văn Quá (quận 12), Ung Văn Khiêm, Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh), Quốc Hương (quận 2), Phạm Thế Hiển (quận 8), An Dương Vương, Hồ Học Lãm (Bình Tân)…

Trong những năm gần, TP Hồ Chí Minh đang phải gồng mình chống ngập trên diện rộng như làm bờ bao, cống ngăn triều, nâng cấp cống thoát nước, nâng đường… nhưng tình trạng ngập vẫn gia tăng sau mỗi cơn mưa. Chẳng hạn như những cơn mưa trong tháng 5 và tháng 6 vừa qua, dù lượng nước mưa không nhiều nhưng cũng khiến tuyến đường Tô Ngọc Vân, Kha Vạn Cân (quận Thủ Đức) bị tê liệt hoàn toàn. Tại khu vực đường ngang cắt đường Tô Ngọc Vân, ôtô, xe máy xếp hàng dài chờ di chuyển. Còn các hộ dân dọc đường này do không kịp di chuyển đồ đạc lên cao nên cũng bị thiệt hại không nhỏ.

Chú thích ảnh

Người dân chỉ cần lơ là, mất cảnh giác là nước cống và ngoài đường có thể tràn vào nhà bất cứ lúc nào

Chị Ngô Thị Minh đang thuê một cửa hàng bán quần áo, giày dép trên đường Tô Ngọc Vân (quận Thủ Đức) đã hơn 10 năm nay cho biết, chưa bao giờ chị chứng kiến cảnh ngập kinh khủng như ngày 2/6. Chỉ trong vài phút, nước tràn vào nhà nhanh chóng khiến đồ đạc, hàng hóa bị hư hỏng, ngập nước. Thiệt hại hàng hóa tại ki ốt của chị Minh ước tính khoảng 15 – 20 triệu đồng.

Trong khi đó, nhiều người dân tại khu vực đường Kha Vạn Cân (quận Thủ Đức) cho biết, khu vực này có tiền sử ngập nước hàng chục năm nay nên hầu như nhà dân nào cũng có trang bị máy bơm. Tuy nhiên, vào ngày nước triều dâng cao và kèm theo mưa lớn thì người dân dù có trang bị máy bơm vẫn trở tay không kịp. Khi đó chỉ biết đứng nhìn đồ đạc, hàng hóa chìm trong dòng nước.

Hệ thống thoát nước cũ kĩ

Lý giải nguyên nhân gây ra tình trạng ngập nước xảy ra trên địa bàn thành phố, nhiều năm vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, Thạc sĩ Đỗ Tấn Long, Trưởng phòng Quản lý hệ thống thoát nước Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP Hồ Chí Minh, cho biết hầu hết hệ thống cống thoát nước của TP Hồ Chí Minh được đầu tư từ thời Pháp, chỉ đáp ứng cho dân số khoảng 2 triệu người nhưng hiện nay, dân TP Hồ Chí Minh đã tăng lên gấp 5 lần. Thậm chí, nhiều tuyến đường còn chưa có cống thoát nước hoặc có nhưng bị tắc nghẽn nên khi mưa xuống là đường biến thành kênh thoát nước ngay cả khi trời không mưa.

“Ngoài ra, trong quá trình xây dựng, một số tuyến đường chính đã được nâng cao thêm ( 2m) theo quy hoạch, song đa số nhà dân không có đủ điều kiện để nâng cao cốt nền nhà cho đồng bộ với việc nâng cấp đường dẫn đến nền nhà thấp hơn đường cũng gây ra ngập. Mặt khác, công tác dự báo chưa lường hết được biến đổi khí hậu. Do đó, thông số thiết kế theo quy hoạch đã không còn phù hợp với tình hình thực tế, dẫn đến một số tuyến cống dù mới được đầu tư cũng đã trở nên quá tải”, Thạc sỹ Long cho biết thêm.

Chú thích ảnh

Nhiều nhà dân ở TP Hồ Chí Minh phải xây các bờ kè ngăn nước khi triều cường dâng cao

Từ kết quả phân tích bằng kỹ thuật INSAR vi phân của PGS.TS Lê Văn Trung, Chủ nhiệm bộ môn Hệ thống Thông tin tài nguyên và môi trường, Đại học Bách Khoa TP Hồ Chí Minh cho thấy, tình trạng lún đất hiện đang diễn ra tại nhiều quận, huyện với mức 5 – 10 mm/năm. Còn theo kết quả giám sát lún mặt đất từ năm 2010 – 2017, có những khu vực trước đây không bị ngập triều, nhưng do mặt đất hạ thấp và mực nước biển dâng cao theo thời gian đã dẫn đến ngập triều.

Theo các chuyên gia làm công tác chống ngập tại TP Hồ Chí Minh, ngoài nguyên nhân ngập do mưa lớn, triều cường, sụt lún, cốt nền thấp thì còn rất nhiều vấn đề khác gây ra ngập như do ý thức chủ quan của con người. Ví dụ như lượng nước trên nguồn đổ về TP Hồ Chí Minh lớn nhưng việc nạo vét kênh, mương chưa được thực hiện tốt tại các quận, huyện. Ngoài ra, còn có tình trạng xả rác bừa bãi, lấn chiếm kênh rạch, cống thoát nước… khiến dòng chảy bị tắc nghẽn cũng là một nguyên nhân khiến tình trạng ngập chưa được khắc phục.

Trong khi đó, Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, cũng cho rằng TP Hồ Chí Minh đã đưa ra chương trình giảm ngập nước là 1 trong 7 chương trình đột phá của thành phố nên thành phố có nhiều đầu tư mọi nguồn lực cho chương trình này, tuy nhiên khi triển khai chương trình này vẫn còn bộc lộ những hạn chế và cho kết quả chưa cao. “Nói về nguyên nhân gây ra ngập nước tại TP Hồ Chí Minh có nhiều nguyên nhân do lịch sử, do con người, do cả quản lý quy hoạch nhà nước và ý thức xã hội, người dân. Đặc điểm ngập của thành phố là các điểm ngập do mưa chiếm 80%, còn các điểm ngập do triều cường chiếm 20%. Vì vậy, các đơn vị chức năng cần nắm rõ các nguyên nhân gây ngập từ đâu để áp dụng giải pháp chống ngập hiệu quả ở đó”, ông Tuyến cho biết.

Theo Hoàng Tuyết/Báo Tin Tức

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu