Thứ Ba, 14/01/2025 17:34 (GMT +7)

Lọc hóa dầu Bình Sơn kiến nghị cần có cơ chế cho cạnh tranh bình đẳng

Thứ 6, 12/08/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A  A

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đi thăm Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. (Ảnh: BRS)

Trong bối cảnh địa chính trị cùng với sự bất ổn về kinh tế khiến giá dầu thô thế giới có những diễn biến khó lường và thất thường, cộng thêm chính sách tỷ giá USD/VND khó nắm bắt… ​làm Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) ​gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là Nhà máy Lọc dầu Dung Quất chỉ mới vận hành thương mại nên rất cần tiếp tục hoàn thiện công tác vận hành, quản trị.

Tuy nhiên kể từ khi đi vào hoạt động, Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn đã từng bước phát triển và đóng góp đáng kể vào ngân sách Nhà nước, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Cụ thể từ thời điểm vận hành thương mại đến nay, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã sản xuất được 41,37 triệu tấn sản phẩm các loại, sản lượng tiêu thụ 41,18 triệu tấn, doanh thu thuần đạt 764,63 ngàn tỷ đồng và nộp ngân sách nhà nước đạt 130.180 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 6.170 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Hoài Giang, Chủ tịch Hội đồng quản trị BSR, riêng bảy tháng của năm 2016, Nhà máy đã sản xuất được 3,99 triệu tấn sản phẩm, doanh thu đạt 40.030 tỷ đồng và nộp ngân sách nhà nước đạt 6.900 tỷ đồng với lợi nhuận sau thuế là 1.091 tỷ đồng.

Sau ông Giang cũng nhấn mạnh, những tháng đầu năm 2016 là khoảng thời gian rất khó khăn và đầy thách thức đối với Công ty, khi giá dầu tiếp tục diễn biến phức tạp, khoảng cách giữa giá sản phẩm và dầu thô bị thu hẹp rất nhiều so với cùng kỳ năm trước.

Do đó, tại cuộc đón tiếp đoàn công tác của Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đã đến thăm và làm việc tại Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), ngày 9/8, ông Nguyễn Hoài Giang đã đề xuất Chính phủ có cơ chế nhằm giảm sự chênh lệch thuế bất lợi, sự bất bình đẳng cho sản phẩm xăng dầu của BSR so với các nước được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo FTA (hiệp định thương mại tự do) chưa được tháo gỡ.

“Việc điều chỉnh cách tính thuế nhập khẩu theo cách tính bình quân gia quyền trong tính giá cơ sở càng khiến BSR khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm và duy trì hiệu quả sản xuất kinh doanh,” ông Giang kiến nghị.

Thủ tướng biểu dương cán bộ, nhân viên Nhà máy Lọc dầu Dung Quất tinh thần làm việc, duy trì hoạt động Nhà máy vận hành liên tục, an toàn, ổn định làm chủ công nghệ ở 105% công suất thiết kế, đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh: “Sự trưởng thành và lớn mạnh của BSR rất đáng trân trọng và hoan nghênh, tôi đánh giá cao bộ máy lãnh đạo BSR, cán bộ, nhân viên đã đoàn kết phấn đấu không mệt mỏi để có những kết quả tốt trong sản xuất kinh doanh, cũng như nộp ngân sách Nhà nước. Đây là bông hoa đẹp không chỉ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, của tỉnh Quảng Ngãi mà là của đất nước”.

Thay mặt Ban lãnh đạo BSR, Chủ tịch Nguyễn Hoài Giang kiến nghị với Chính phủ, cần quan tâm xem xét điều chỉnh cơ chế chính sách cho BSR tạo sự cạnh tranh bình đẳng với hàng nhập khẩu để Nhà máy duy trì sản xuất ổn định, liên tục và có hiệu quả cao nhằm thu hút các đối tác, nhà đầu tư trong việc nâng cấp mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất cũng như hoàn thành công tác Cổ phần hóa Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn.

Ông Giang cho biết, tại biểu thuế ban hành kèm theo Thông tư số 165, các mức thuế cụ thể với xăng dầu nhập khẩu từ các nước thành viên ASEAN, khí hóa lỏng LPG và sản phẩm hóa dầu có mức thấp hơn đáng kể so với các mức thuế suất trong biểu thuế ưu đãi hiện hành đang áp dụng cho xăng dầu, LPG và các sản phẩm hóa dầu nhập khẩu.

Cụ thể, xăng dầu có thuế nhập khẩu chỉ ở mức 20% trong giai đoạn 2015-2018; nhiên liệu diesel có thuế nhập khẩu là 5% cho năm nay và sau đó giảm về 0% 3 năm tiếp theo; dầu có thuế suất 0% từ nay đến năm 2018.

“Trong khi đó, mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi áp dụng hiện nay đối với Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) là 35% với xăng, 25% với Jet A1, 30% với dầu diesel, 5% với khí hóa lỏng LPG và 2% với hạt nhựa… cao hơn nhiều so với thuế nhập khẩu xăng, dầu từ các nước ASEAN. Điều này khiến doanh nghiệp quản lý Nhà máy Lọc dầu Dung Quất lo ngại nguy cơ đóng cửa vì khó thể cạnh tranh tại thị trường trong nước,” ông Giang nói.

Về kiến nghị mức chênh lệch thuế xuất nhập khẩu xăng dầu làm ảnh hưởng đến các chỉ tiêu sản xuất – kinh doanh từ BSR, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, tuần tới sẽ đưa vấn đề ra Thường trực Chính Phủ để quyết định theo hướng ủng hộ BSR, nhằm đảm bảo bình đẳng trong kinh doanh của doanh nghiệp và đảm bảo nguyên tắc thị trường.

Thủ tướng nhấn mạnh: “Nhà máy Lọc dầu Dung Quất là dự án đầu tiên, hình mẫu cho ngành công nghiệp lọc hóa dầu của Việt Nam. Động lực phát triển kinh tế-xã hội của Quảng Ngãi nói riêng và khu vực miền Trung-Tây Nguyên nói chung.”

Hiện nay, Nhà máy lọc dầu Dung Quất là một trong những nhà máy có công nghệ hiện đại, quy mô lớn nhất thế giới, kể từ khi đi vào vận hành thương mại đến nay, đội ngũ lãnh đạo, kỹ sư của Công BSR đã từng bước tiếp nhận, chuyển giao công nghệ từ chuyên gia nước ngoài và vận hành an toàn, đây là bước tiến vượt bậc trong việc làm chủ công nghệ.

Theo đại diện BSR, về công tác nâng cấp mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Công ty đã hoàn thành công tác khảo sát địa hình, địa chất phục vụ thiết kế tổng thể đồng thời hoàn thành 98,8% hạng mục đền bù, giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó, công tác lập thiết kế tổng thể đạt 38,4% và lựa chọn ký 7/7 hợp đồng bản quyền công nghệ cho các phân xưởng mở rộng của nhà máy./.

Hạnh Nguyễn (Vietnam )

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu