Thứ Ba, 13/05/2025 22:57 (GMT +7)

Long An chuyển đổi sản xuất thích ứng hạn, mặn

Thứ 5, 08/10/2020 | 06:30:00 [GMT +7] A  A

Rút kinh nghiệm từ những mùa hạn hán, xâm nhập mặn vừa qua, vụ Đông Xuân 2020-2021 này, tỉnh Long An tiếp tục chuyển đổi sản xuất lúa theo hướng thích ứng quy luật tự nhiên để tránh tổn thất do ảnh hưởng biến khí hậu.

Đám ruộng thiếu nước tưới của anh Phạm Công Hùng mua khô 2019

‘Thấm đòn’ từ những thiệt hại, thua lỗ do ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô năm 2015- 2016 và 2019-2020, khiến anh Phạm Công Hùng – xã Tân Phước Tây, huyện Tân Trụ có sự thay đổi lớn trong tư duy sản xuất. Vì vậy, xong vụ Hè Thu này, anh Hùng sẽ tranh thủ xuống giống sớm vụ Đông Xuân 2020-2021 nhằm đảm bảo lúa sẽ thu hoạch dứt điểm ngay khi hạn, mặn xâm nhập và kiên quyết không xuống giống lúa vụ 3. Anh Hùng cho biết: ‘2 đợt bị ảnh hưởng hạn, mặn rồi nên tôi sợ lắm. Từ nay không dám làm lúa vụ 3 nữa, al2m 2 vụ thôi cho chắc ăn. Tôi tranh thủ sạ sớm, đến cuối tháng 12 âm lịch sẽ thu hoạch, như vậy cho yên tâm’. Ông Võ Hoàng Huy, Chủ tịch hội nông dân xã cũng đẩy mạnh tuyên truyền người dân về tình hình xâm nhập mặn mùa khô năm 2020-2021 và khuyến cáo chỉ sản xuất 2 vụ lúa hoặc 1 vụ lúa, 1 vụ màu.

Anh Phạm Công Hùng (giữa) bên đám lúa Đông Xuân sớm của mình

Mùa khô 2019-2020 mặc dù xâm nhập mặn đến sớm hơn, diễn ra khốc liệt hơn, độ mặn cao hơn nhưng nhờ Long An chủ động, quyết liệt các giải pháp cấp bách và đồng bộ nên đã kéo giảm thiệt hại xuống mức thấp nhất, giảm hơn 70%, tương đương với giảm 139 tỷ đồng so với mùa khô năm 2016. Phát huy kết quả đạt được, năm nay tỉnh Long An tiếp tục chuyển lịch thời vụ lúa Đông Xuân 2020-2021 sớm hơn 1 tháng so với trung bình nhiều năm nhằm né hạn mặn. Theo đó, lịch gieo sạ chia làm 3 đợt, bắt đầu đợt 1 từ ngày 20.10 và kết thúc đợt 3 vào ngày 30.12. Riêng các huyện phía Nam, nhất là những khu vực năm trước bị ảnh hưởng hạn, mặn sẽ cố gắng kết thúc gieo sạ ngay trong tháng 11. Bên cạnh việc chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, ông Nguyễn Chí Thiện, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh cũng khuyến cáo người dân nên chuyển dịch cơ cấu sang cây trồng cạn như cây bắp, cây mè ở các huyện thiếu nước vùng Đồng Tháp Mười. Riêng đối với các huyện phía Nam nên chuyển sang trồng các loại rau màu, cây ngắn ngày. Ngoài ra, người dân cũng nên sử dụng các giống thơm, đặc sản như: ST, RVT, VD20, nàng hoa và các giống lúa OM như 5451, 576, 7347 vừa chống chịu mặn vừa đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Nỗi ám ảnh thiếu nước trầm trọng trong những năm trước khiến người nông dân phải tìm phương cách để sản xuất thích ứng

Hiện nhiều nơi trong tỉnh đã xuống giống

Sản xuất nông nghiệp tại Long An đang chuyển đổi sang hướng thích ứng quy luật tự nhiên với việc áp dụng “3 chuyển dịch”: dịch chuyển lịch thời vụ để “né hạn, mặn”, sử dụng giống phù hợp điều kiện hạn, mặn và mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi hiệu quả kinh tế hơn cây lúa. Đây được xem giải pháp căn cơ để Long An ứng phó với hạn, mặn, giảm, tránh tổn thất do ảnh hưởng biến khí hậu ngày càng khốc liệt và bảo đảm sinh kế bền vững cho người dân.

Duy Huệ – Võ Huy

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu